Văn hóa ứng xử trên mạng của học sinh

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nạn học sinh nói xấu bạn bè, thầy cô, thậm chí gây hiềm khích giữa các phụ huynh với nhau trên mạng xã hội đã trở thành vấn đề đau đầu trong chốn học đường thời gian vừa qua.

 Ảnh minh họa
Câu chuyện ở trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) có quyết định kỷ luật 8 học sinh lớp 10 do xúc phạm nhiều thầy cô giáo và nói xấu nhà trường trên mạng xã hội, sau đó phải thu hồi, đã dấy lên nhiều suy nghĩ. Thông tin cho hay, Ban Giám hiệu nhà trường sau khi họp hội đồng kỷ luật đã quyết định kỷ luật 3 học sinh bằng hình thức đình chỉ học một năm, 4 học sinh khác bị đình chỉ học một tuần và 1 học sinh bị cảnh cáo trước toàn trường. Các học sinh bị kỷ luật vì đã vi phạm nghiêm trọng quy định, nội quy của nhà trường. Cụ thể, liên tục trong thời gian dài, các học sinh trên đã có hành vi đe dọa, nói xấu thầy cô giáo, làm mất uy tín, hình ảnh của nhà trường trên mạng xã hội facebook.

Có thành tích thì thưởng, có lỗi thì bị phạt, đó là lẽ công bằng, nhất là với môi trường giáo dục: Không có nền nếp, kỷ luật thì sao có thể dạy và học tốt được? Việc xử lý 8 học sinh là cần thiết nhưng hình phạt đưa ra quá nặng, chưa phù hợp với môi trường giáo dục. Tuy nhiên, vấn đề khó hơn hình phạt là cách giáo dục nhóm học sinh cá biệt này như thế nào? “Học sinh cá biệt” là đối tượng hầu như trường nào cũng có, vì thế đặt ra yêu cầu đưa các em trở về những chuẩn mực chung đòi hỏi rất nhiều tâm huyết và kỹ năng của thầy cô giáo. Bao trùm lên tất cả là sự kiên nhẫn và thương yêu học trò thật sự. Tất nhiên là không phải lúc nào cũng thành công. Điều đó càng đòi hỏi người giáo viên phải có tâm với nghề và phải tùy cơ ứng biến trong từng trường hợp cụ thể.

Một thực tế đặt ra là không thể cấm học sinh dùng mạng xã hội facebook, tuy nhiên rất nhiều học sinh cho rằng mạng xã hội, là thế giới riêng tư của cá nhân không liên quan đến ai khác. Vì vậy, các em cho rằng có quyền tự do ngôn luận, thoải mái bình phẩm người khác mà không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật… Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”. Rất nhiều mong muốn được đặt ra cho đề án này, đặc biệt, rất nhiều người hy vọng, khi triển khai sẽ hướng học sinh đến mục tiêu “suy nghĩ trước khi chia sẻ” góp phần định hướng học sinh phổ thông sử dụng mạng xã hội đúng mục đích, tránh bị lợi dụng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần