Văn hóa xếp hàng - bài học vỡ lòng chưa ăn sâu

Phương Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn cảnh chen lấn đi lễ hội, mua hàng trong thời gian gần đây; hay cảnh phụ huynh chen nhau đón con ở cổng trường vào mỗi giờ tan học.

Nhiều người cho rằng, lỗi của văn hóa xếp hàng nằm ở môi trường giáo dục đang dạy theo kiểu học một đằng làm theo một nẻo.
Lộn xộn từ cổng trường
Dạo trước, vào giờ đến trường và tan học, khi phóng viên khảo sát một vòng tại các cổng trường Tiểu học Nam Thành Công B (đường Nguyên Hồng), Tiểu học Phan Chu Trinh (đường Nguyễn Thái Học), đến trường Nguyễn Trường Tộ (Láng Hạ)… dễ dàng bắt gặp cảnh xe lớn xe bé chen chúc các khoảng không trước cổng trường, chắn hết lối qua lại của người đi đường.
Trường Tiểu học Nam Thành Công B còn kẻ các ô quy định xếp xe tạm thời của từng lớp cho phụ huynh trong giờ chờ đón con. Nhưng hiếm ai dựng đúng vị trí của mình. Ai cũng cố chen gần đến cổng trường, để ngóng gọi con trong sân trường.
 Người dân xếp hàng chờ rút tiền tại cây ATM ở Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Phụ huynh Minh Thiện cho biết: Nhiều người quan niệm, thời gian đón đưa chỉ diễn ra trong vòng vài phút, nên đứng gần cho tiện, cho nhanh. Nhưng chính vì ai cũng muốn tiện, muốn nhanh nên thường xuyên diễn ra cảnh ùn ứ giao thông trước cổng trường Nam Thành Công B. Từ 7 giờ 15 đến 8 giờ mỗi ngày trong tuần, khi mà xe ô tô phụ huynh đỗ thoải mái dưới lòng đường, nơi đây cần đến 7 - 10 lực lượng bảo vệ, công an đứng dẹp đường, cố tạo những khe hở nhỏ bé để giao thông có thể lưu thông.
Tuy là con phố một chiều, nhưng từ 7 giờ đến 8 giờ hoặc từ 16 giờ đến 17 giờ, đi qua đường Nguyễn Thái Học trước cổng trường Tiểu học Phan Chu Trinh là nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông. Người đi đường nhích từng bước, len lỏi từng đoạn để thoát khỏi các phương tiện đã đỗ kín vỉa hè, tràn lòng đường trong lúc chờ đón con. Còi xe inh ỏi, phương tiện nối đuôi nhau vì tắc nghẽn, nhưng vẫn không ngăn được những chiếc xe máy, ô tô đỗ chờ.
Chưa có văn hóa xếp hàng của phụ huynh đã lan đến con trẻ. Đứng quan sát giờ ra chơi của tất cả các trường học ở 3 cấp, sau tiếng trống giòn giã vang lên, học sinh từ các lớp ùa ra như bầy ong vỡ tổ vây kín căn tin để mua hàng. Em nào cũng muốn mua được trước. Thế là ra sức chen lấn, xô đẩy, giành giật nhau, tiếng la hét, đôi khi là tiếng chửi bới, đôi co vì ai đó bị giẫm lên chân, bị giành mất chỗ “cứ gọi là ồn ã đến náo nhiệt”.
Cảnh tranh giành chen lấn chỉ diễn ra trong vòng mươi lăm phút là xong, thế rồi hàng quán lại vắng tanh. Dẫu thế, chẳng ai chịu nán lại chờ bạn mua xong rồi đến lượt mình. Ai có thể dám chắc những đứa trẻ này lớn lên lại biết xếp hàng từ tốn chờ tới lượt?
Những cảnh tượng này vẫn thường xuyên diễn ra từng ngày ở trường học trước mặt các thầy cô nhưng vẫn không được nhắc nhở hoặc có biện pháp nào để giáo dục các em. Ai cũng cho đó là chuyện bình thường khi muốn mua hàng. Mặc dù hằng ngày thầy cô giáo luôn dạy các em phải biết xếp hàng khi mua bán, không được chen lấn xô đẩy nhau nơi đông người, người nọ phải biết nhường người kia…
Chuyện không mới mà khó
Văn hóa xếp hàng vốn là câu chuyện không mới, ở đất nước chúng ta chỉ cần bước ra đường, đi vào chợ hoặc đến sân bay, ga tàu, bến xe sẽ tha hồ mục sở thị cảnh chen lấn, xô đẩy, í ới. Xung quanh vấn đề này, có nhiều ý kiến được đưa ra phân tích mổ xẻ, có người quy trách nhiệm cho ngành văn hóa, giáo dục, có ý kiến cho rằng do tâm lý đám đông…, cũng có lập luận chỉ trích không thương tiếc ý thức nơi công cộng của người Việt… Ai đúng, ai sai đó là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Chúng ta thường nhìn Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… như là hệ quy chiếu để so sánh những thói hư tật xấu của người Việt. Tuy nhiên phải nhìn nhận, văn hóa xếp hàng được cha ông ta xây dựng từ xa xưa. Ai đã từng trải qua cấp 1 trường làng chắc chắn sẽ không bao giờ quên quy định trước khi vào lớp học tiết đầu tiên phải xếp hàng, hồi đó lớp được chia làm 4 hoặc 5 tổ theo số thứ tự, thành viên của tổ nào đứng theo hàng của tổ ấy, lớp trưởng “đọc lệnh” cho từng tổ lần lượt đi vào.
Và có hình phạt rất hay là tổ nào đứng lộn xộn, gây mất trật tự hay các thành viên đứng “nhầm” hàng thì bị phạt vào sau so với các tổ khác. Mặc dù việc vào lớp là điều hiển nhiên nhưng lũ trẻ “cay cú” lẫn nhau hễ hàng nào vào trước là hàng còn lại “nóng mặt” có khi còn ngáng chân thằng bạn hàng bên cạnh.
Cứ như vậy thói quen xếp hàng dường như đã được “lập trình” sẵn, hễ nghe tiếng trống là cả lớp không ai bảo ai xếp ngay ngắn trước cửa vào lớp đợi lệnh xuất phát của lớp trưởng. Tuy nhiên, việc xếp hàng sẽ lộn xộn nếu không có giáo viên chủ nhiệm.
Lên các cấp học cao hơn tuy không còn xếp hàng khi vào lớp nhưng mỗi khi học môn thể dục, học sinh, sinh viên vẫn phải đứng theo hàng, lối ngay ngắn. Ai không tuân thủ quy định này sẽ bị thầy phạt chạy quanh sân hoặc chống đẩy.
Văn hóa xếp hàng rõ ràng đã được đưa vào rèn luyện từ rất sớm nhưng lên cấp học càng cao quy định này càng nhạt dần và khi con người trưởng thành đi ra xã hội không mấy ai còn thiết tha đến thói quen này.
Giáo dục khiên cưỡng
Văn hóa xếp hàng đã từng được dạy khá bài bản nhưng tại sao đến nay dường như đã trở về số không? Có lẽ đây là câu hỏi thú vị đối với các nhà nghiên cứu văn hóa và là chủ đề tranh luận hấp dẫn cho tất cả chúng ta. Có phải vì mất niềm tin về sự công bằng nên ai cũng phải lao lên giành giật?
Hay nói cách khác chúng ta chỉ biết “ép” học sinh phải xếp hàng mà không rèn cho học sinh thói quen tự nguyện xếp hàng như một quyền lợi, nghĩa vụ cần có và đáng có. Cách giáo dục khiên cưỡng khiến chúng ta chỉ thực hiện để đối phó là chủ yếu, vậy nên khi đến nơi công cộng cần sự tự giác thì rất nhiều người không thể thực hiện được gây ra tình trạng hỗn loạn, chen lấn, xô đẩy.
Tâm lý đám đông là một nguyên nhân không nhỏ gây nên tình trạng này, có lẽ loại tâm lý này xuất phát từ việc thiếu độc lập trong suy nghĩ và hành động, thấy người khác làm mình cũng làm theo mà bất chấp hậu quả. Giá như mỗi cá nhân nán dừng chân lại một chút, đứng yên một chút thì sẽ không có hình ảnh xấu xí xảy ra.
Câu chuyện xếp hàng tuy không lớn nhưng lại đặt ra những câu hỏi lớn về việc dạy và học, học và hành như thế nào cho hiệu quả, trong trường hợp này học không đi đôi với hành đây là vấn đề lớn của ngành giáo dục. Thật sự không chỉ riêng bài học xếp hàng, hiện nay đào tạo một đằng làm một nẻo hoặc học xong không đủ kiến thức và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công việc đang là nguyên nhân hàng đầu khiến hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp.

Văn hóa xếp hàng đã từng được dạy khá bài bản nhưng tại sao đến nay dường như đã trở về số không? Có lẽ đây là câu hỏi thú vị đối với các nhà nghiên cứu văn hóa và là chủ đề tranh luận hấp dẫn cho tất cả chúng ta. Có phải vì mất niềm tin về sự công bằng nên ai cũng phải lao lên giành giật?


"Có thể nói phong thái lịch sự nhường nhịn của người Hà Nội đang đến hồi xuống cấp không? Đây là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Vì hành vi chen lấn khi xếp hàng cho đến giờ này vẫn chỉ là do những người đang xếp hàng thứ tự phản đối mà thôi." - Nhà văn Đỗ Phấn


Xây dựng văn hóa xếp hàng để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

"Người Việt không có thói quen xếp hàng, chỉ thích chen lấn, xô đẩy. Trong đó có rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, xã hội ta đi lên từ một xã hội nông nghiệp, ai cũng muốn tranh hơn về lợi ích. Thứ hai, do yếu tố lịch sử của thời kỳ chiến tranh để lại. Trong chiến tranh, nếu ai không nhanh sẽ gặp rủi ro. Vì các thói quen đó nên trong xã hội hiện tại vẫn còn nhiều người muốn nhanh nên đã tranh giành để đạt được mục đích của mình.

Để sửa thói quen xấu này không dễ và phải có thời gian. Theo tôi, một trong những giải pháp để xây dựng văn hóa xếp hàng, đồng thời từng bước loại bỏ thói quen xấu trên, là cần đẩy mạnh công tác giáo dục. Mỗi công dân từ khi là học sinh, nếu được dạy cách xếp hàng trật tự, không chen lấn thì khi lớn lên thói quen ấy sẽ được duy trì.

Phải khẳng định rằng, xếp hàng không có gì là xấu và thời bao cấp chúng ta đã làm rất tốt. Vì vậy, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, việc xây dựng văn hóa xếp hàng, tạo thói quen tốt là việc cần làm thường xuyên nhằm xây dựng hình ảnh người Hà Nội văn minh, thanh lịch trong mắt bạn bè quốc tế." - PGS.TS Trịnh Hòa Bình - nguyên Giám đốc Trung tâm điều tra xã hội học - Viện Xã hội học Việt Nam


Giáo dục học sinh hiểu về xếp hàng theo từng chuyên đề

"Cảnh tượng chen ngang vào dòng người đang xếp hàng mà tôi hay nhìn thấy nhất đó là khi vào một số bệnh viện, siêu thị. Trước đây, các bệnh viện áp dụng hình thức xếp sổ khám, chữa bệnh, hay nay cho người dân xếp theo hàng để vào lấy số khám, chữa bệnh thì tình trạng một bộ phận người dân cố tình chen ngang để được khám trước, khiến những người đang xếp hàng rất bất bình. Không ít người đã lên tiếng phê phán hiện tượng này nhằm bảo đảm sự công bằng, người mắc lỗi cũng xấu hổ và thực hiện xếp hàng theo tuần tự, nhưng cảnh chen lấn vẫn tái diễn.

Qua theo dõi tôi thấy, còn rất nhiều vụ việc liên quan đến văn hóa xếp hàng của người Việt bị lên án như vụ hàng nghìn người dân chen lấn, xô đẩy nhau rồi trèo rào vào Công viên nước Hồ Tây tắm miễn phí cách đây mấy năm; hay như xô đẩy nhau, leo qua rào khi mua vé xem đá bóng tại sân vận động Mỹ Đình...

Theo tôi, để xây dựng văn hóa xếp hàng, các nhà trường nên lồng ghép nội dung này vào bài giảng để giáo dục trẻ em từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hoặc xây dựng chuyên đề giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh." - Cô giáo Vũ Thị Tuyết Nga - trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) (Hoàng Nguyên ghi)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần