Vẫn là một dấu hỏi

Nhật Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bài toán “thừa mà vẫn thiếu” giáo viên thời gian qua xem ra đã không thích ứng được với lời giải “điều chuyển nội bộ” mà nhiều địa phương trong cả nước đã áp dụng.

Đến thời điểm này, chính người đứng đầu ngành giáo dục cũng phải thừa nhận sự điều chuyển vội vàng giáo viên THCS, THPT xuống dạy bậc mầm non rất… “nguy hiểm”.
Chưa cần áp dụng vào thực tế, mà chỉ đem ra cân nhắc đã thấy, đưa giáo viên (GV) dạy bậc tiểu học xuống dạy trẻ mầm non đã không thích ứng được, chứ chưa nói GV dạy cấp THCS và THPT. Bởi rành rành một điều, ở GV mầm non, kỹ năng và phương pháp chăm sóc, nuôi dạy trẻ cần nhiều hơn là kiến thức Toán, Lý, Hóa… Mà những kỹ năng này, GV bậc THCS và THPT hoàn toàn không có. Thế nên, dù kiến thức có nhiều, dù số lượng GV này có thừa, cũng không thể bù vào khoảng trống thiếu GV trong các trường mầm non. Ngay từ khi đào tạo GV đã “năm hai rõ mười”, GV mầm non không ngồi chung lớp với GV dạy tiểu học, THCS, THPT. Thế nên, nếu cố tình “điều chuyển nội bộ” để giải quyết bài toán dôi dư nhân lực, thì sẽ nhận được hệ quả là câu hỏi về chất lượng giáo dục.
Có lẽ những “điển hình” của việc điều chuyển nội bộ GV ở Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng… đã khiến những người đứng đầu ngành giáo dục cảm nhận được sự “nguy hiểm” khi ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục. Thế nên Bộ GD&ĐT đã có công văn đề nghị các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư phối hợp rà soát, chuẩn hóa đội ngũ GV THCS, THPT được điều chuyển dạy mầm non và tiểu học; xác định nhu cầu và xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí để đào tạo lại số GV này đạt trình độ theo quy định. Bộ “hứa” sẽ xây dựng khung chương trình đào tạo văn bằng 2 cho những GV THCS, THPT điều chuyển dạy mầm non, tiểu học để triển khai thống nhất trong toàn quốc theo phương thức học tập trung kết hợp với trực tuyến, vừa học vừa thực hành nghề tại các trường mầm non, tiểu học. Tuy nhiên, rất nhiều người trong nghề cho rằng, việc làm này vẫn chỉ là chắp vá, thậm chí có người còn thẳng thắn khẳng định sẽ không thành công vì GV 2 bậc học khác nhau cả về đặc thù công việc, môi trường làm việc lẫn nhận thức.
Các nhà quản lý có lý giải tình trạng "thừa mà vẫn thiếu" này là do thiếu dự báo, quy hoạch tổng thể nhu cầu đội ngũ GV. Ngoài ra, còn do địa phương quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, trong khi đó, việc phát triển nhanh các khu công nghiệp ở địa phương, tình trạng di dân cơ học và việc nới lỏng sinh con thứ ba lại khiến gia tăng tỷ lệ trẻ mầm non và tiểu học… Song hình như các nhà quản lý chưa nhắc đến sự “lệch pha” đang hiện hữu trong quản lý giáo dục phổ thông khi chính quyền địa phương chịu trách nhiệm “định biên”, còn chuyên môn lại nằm trong tay ngành giáo dục. Quả thật, nếu còn kéo dài tình trạng này thì câu chuyện “vừa thừa, vừa thiếu” GV vẫn sẽ tiếp tục là một dấu hỏi.