Vẫn là từ phía gia đình

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa tuần qua, ngày 5/9, cùng với hơn 22 triệu học sinh cả nước, gần 2 triệu học sinh Hà Nội đã phấn khởi dự lễ khai giảng năm học mới 2018 - 2019.

Nhằm tiếp tục thi đua dạy tốt - học tốt, giữ vững danh hiệu lá cờ đầu của cả nước, ngành giáo dục Thủ đô đã đề ra nhiều hoạt động có tính đổi mới. Một trong số đó là đẩy mạnh, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành các hoạt động giáo dục.

Vẫn là...

Để thực hiện ý tưởng đổi mới, Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, hướng dẫn sử dụng mạng xã hội, khai thác thông tin trên internet đã được Sở GD&ĐT ban hành ngày 13/8. Nội dung được dư luận quan tâm là tuyên truyền giáo viên, học sinh (HS) sử dụng điện thoại di động đúng quy định, không sử dụng điện thoại trong giờ học, giờ sinh hoạt lớp, sinh hoạt tập thể trong trường.

Có thể nói, đây là quyết định được đại đa số cán bộ, giáo viên, HS và phụ huynh ủng hộ - một quyết định đúng của ngành GD&ĐT. Bởi rất dễ để thấy tác động tiêu cực của việc lạm dụng điện thoại di động, rộng hơn là mạng xã hội, không chỉ trong trường học. Tuy nhiên, những người quan tâm không khỏi băn khoăn. Đó là làm sao để quy định này được nghiêm túc chấp hành trong các nhà trường, cơ sở giáo dục, phát huy được tác dụng tích cực. Bởi đã có không ít quy định được xem là đúng đắn, cần thiết nhằm mang lại an toàn, thuận lợi cho HS, mà vẫn không được thực hiện một cách nghiêm túc, thậm chí bị vi phạm một cách công khai. Đơn cử như việc cấm HS THPT đi xe máy có dung tích trên 50cm3 tới trường.

Còn nhớ cách đây hơn chục năm, ngành giáo dục Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho HS trong nhà trường và khi tham gia giao thông ngoài xã hội. Từ năm 2003, Sở GD&ĐT đã thí điểm ở một số trường về thực hiện an toàn giao thông và cũng đã đạt kết quả nhất định. Tuy nhiên, từ đó đến nay, sự việc dường như vẫn trong một vòng luẩn quẩn, ngay cả khi pháp luật đã có những quy định chính thức. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 60, Luật Giao thông đường bộ 2008: “Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3… Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự”.

Quy định là thế, nhưng trên thực tế, nhiều HS THPT ở Hà Nội vẫn điều khiển xe máy trên 50cm3 khi chưa đủ tuổi. Mặc dù nhiều trường đã có những biện pháp giáo dục, quản lý như hạ hạnh kiểm từng mức tùy theo vi phạm, mời phụ huynh đến làm việc..., nhưng như lời tâm sự của một thầy hiệu trưởng: Đôi khi chúng tôi thấy đơn độc bởi sự thờ ơ, không phối hợp của nhiều cha mẹ HS và một số cơ quan, đơn vị cạnh trường học. Biểu hiện nhẹ nhất và cũng dễ thấy nhất là cha mẹ không gương mẫu, đi xe máy đến đón con không đội mũ bảo hiểm. Hệ quả tất yếu là các cháu cũng sẽ “noi gương”, không chỉ điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi quy định, nhiều em còn vô tư vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe dàn hàng ngang vừa nô đùa trên đường… Từ thực tế trên có thể nói, một trong những nguyên nhân chính yếu dẫn đến hiện tượng HS vi phạm luật giao thông là từ phía gia đình. Có khá nhiều lý do để biện minh cho việc làm này, song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận: Cho đến thời điểm này - 15 năm từ khi vấn đề được thí điểm, 10 năm từ khi quy định có hiệu lực, quy định vẫn không được thi hành nghiêm túc.

Trở lại với quy định giáo viên, HS không sử dụng điện thoại di động trong giờ học và các sinh hoạt tập thể của trường. Ai cũng biết tiện ích của việc cho con em mình, đến một độ tuổi nhất định được sử dụng một chiếc điện thoại di động, đặc biệt là với việc quản lý, hỗ trợ các cháu khi cần thiết. Cũng không ai xa lạ với những tác động trái chiều của mạng xã hội qua chiếc điện thoại thông minh. Việc cân nhắc giữa lợi và hại trong trường hợp này cũng tương tự như việc cân nhắc cho trẻ sử dụng xe máy trên 50cm3 đến trường. Việc này thuộc về các bậc làm cha mẹ.

Sự gương mẫu của người lớn, mà trước hết là bố mẹ, thầy cô giáo là yếu tố quan trọng để những quy định liên quan đến cuộc sống học tập, sinh hoạt của HS được thực hiện nghiêm túc. Thực tế cho thấy, nhà trường, các cơ quan chức năng có cương quyết tới đâu, thì yếu tố quyết định vẫn là từ phía gia đình. Hy vọng với nhận thức và hành động đúng đắn của phụ huynh, quy định mới này không rơi vào vòng luẩn quẩn như một vài quy định trước đó.