Theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội), chất lượng không khí trên địa bàn TP từ ngày 20 - 28/1 giảm xuống rõ rệt so với tuần trước đó, chỉ số chất lượng không khí (AQI) chủ yếu ở mức “kém” và “xấu”; đặc biệt vào các ngày 24/1, 25/1, 26/1, 27/1 AQI đa phần ở mức “xấu”. Số ngày AQI ở mức “trung bình” chiếm tỷ lệ thấp. Nguyên do được nhận định là sự gia tăng đột xuất về lượng người tham gia giao thông và sự gấp rút hoàn thành các hạng mục công trình để chuẩn bị đón Xuân Kỷ Hợi, tạo ra lượng bụi lớn gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, ô nhiễm không khí chủ yếu là do bụi gồm bụi lơ lửng bao gồm bụi thô (TSP và PM10) và bụi mịn (PM2,5).
Được biết, ô nhiễm giao thông chiếm khoảng 70% tổng lượng phát thải của cả TP. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí. Số liệu thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, hiện, Hà Nội đang có khoảng 5,5 triệu xe máy, gần 500.000 ô tô, trong đó trên 327.000 ô tô con. Vào dịp lễ, Tết như những ngày qua, lượng xe đổ về Hà Nội tăng vọt, giao thông ùn ứ, lượng bụi mịn nhảy theo cấp số nhân, khiến AQI luôn ở mức cảnh báo an toàn đến sức khỏe của người dân.Giải bài toán ô nhiễm không khí - môi trường ở Hà Nội, theo các chuyên gia, phụ thuộc vào việc kiểm soát khí thải từ các phương tiện tham gia giao thông. Trong những năm vừa qua, Bộ GTVT cũng đã thực hiện kiểm soát phát thải đối với phương tiện giao thông đường bộ. Cụ thể là áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 đối với phương tiện ô tô sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới; kiểm soát khí thải đối với ô tô đang lưu hành. Thế nhưng, mức tiêu chuẩn khí thải hiện tại được xem là chưa phù hợp với thực tế đảm bảo môi trường. Trong khi đó, việc kiểm soát khí thải các loại phương tiện vẫn thiếu chặt chẽ, chưa có chế tài xử lý đủ mạnh, nhất là đối với xe máy, khiến ô nhiễm không khí rơi vào tình trạng báo động như những ngày qua. Thời gian qua, Hà Nội đã không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường TP. Không chỉ là TP đầu tiên, đi đầu trong việc đầu tư bài bản hệ thống các trạm quan trắc tự động, mà còn có nhiều sáng kiến, chương trình, dự án được triển khai hiệu quả trên địa bàn để nâng cao chất lượng không khí, bảo vệ môi trường như: Chương trình hạn chế sử dụng bếp than tổ ong và đốt rơm rạ, nhằm phấn đấu đến năm 2020 Hà Nội nói không với bếp than tổ ong và không đốt rơm rạ; thực hiện kiểm kê khí nhà kính; đầu tư hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng để khuyến khích người dân tham gia các phương tiện công cộng và hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân, sử dụng các nhiên liệu sạch trong giao thông. Đặc biệt, việc cập nhật AQI đánh giá phơi nhiễm do ô nhiễm không khí đã góp phần tích cực, đưa ra các khuyến cáo về tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe và sự phát triển của TP. Thế nhưng, thực tế cho thấy, chính quyền TP cũng "bó tay" nếu người dân không chung tay, vì ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí đều do phần lớn tác động từ con người.Bởi vậy, cần lắm ý thức, trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng, đối với môi trường. Đó là việc thực hiện quy định về tiêu chuẩn khí thải, môi trường; triển khai các ứng dụng mới tiết kiệm nhiên liệu. Đặc biệt, những người sử dụng phương tiện cần nâng cao ý thức bảo dưỡng phương tiện, không sử dụng những xe quá niên hạn cho phép, xe không đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường. Có như vậy, chất lượng không khí của Thủ đô mới được cải thiện rõ rệt, để Hà Nội ngày càng trở thành một TP đáng sống.