Vấn nạn dùng “quyền công” vào “việc tư”

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng cán bộ, công chức nhấp nhổm “chân trong, chân ngoài” hoặc tìm chỗ đứng trong nhà nước để tạo “cái uy” mà làm ăn bên ngoài không phải hiếm trong bộ máy hiện nay. Xét ở góc độ đạo đức công vụ, chính việc không tận tâm với trách nhiệm công vụ ấy gây ra những hệ lụy không nhỏ.

Từ thực tế cũng cho thấy, tình trạng cán bộ, công chức “nhấp nhổm”, “chân trong, chân ngoài” hoặc vào làm cơ quan nhà nước là để “dựa dẫm”, “ăn theo”... không hiếm gặp, đã khiến cho hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước hoàn toàn không tương xứng với mức chi trả từ ngân sách nhà nước.
Thực trạng không hiếm
Dù không có con số thống kê cụ thể nhưng thực tế không ít trường hợp công chức, viên chức coi chỗ làm chỉ là nơi “ghé chân” hoặc “giữ ghế” để thuận tiện cho việc làm ăn ngoài của mình. Chuyện ví von “chân ngoài dài hơn chân trong” không phải chỉ để nói cho vui mà là phản ánh một góc không nhỏ thực trạng bộ máy công vụ.
Không ít trường hợp gắn mác công chức, viên chức, nhưng đến cơ quan chỉ để điểm danh, còn thời gian dành cho việc làm ngoài hoặc tận dụng các mối quan hệ trong công vụ để thúc đẩy công việc của riêng mình.
 Ảnh minh họa.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh đã phân tích, có nhiều hình thức cán bộ, công chức dùng “quyền công” vào “việc tư”. Nhẹ nhất là tình trạng vào Nhà nước cho ổn định, tạo mối quan hệ, tìm chỗ đứng để tạo “cái uy” mà làm ăn bên ngoài. Người ta gọi đó là “chân trong chân ngoài”, khi đã ổn định rồi thì thậm chí “chân ngoài dài hơn chân trong”. Những người này thường không toàn tâm, toàn ý, đầu tư thời gian, công sức cho công việc chuyên môn là lẽ tất nhiên. Nặng hơn nữa là tình trạng cán bộ “lạm quyền” như vừa qua không ít cán bộ đã bị xử lý kỷ luật chính bởi sự “sa vào chủ nghĩa cá nhân” ấy.
Điển hình nhất là vụ việc bà Phan Thị Mỹ Thanh (khi đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) vì lợi ích của công ty nơi chồng mình là cổ đông sáng lập đã lạm dụng quyền hạn, ký một số văn bản trái quy định của pháp luật. Hay như vụ việc hai cựu Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, một người từng là Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, đã phải hầu tòa bởi vì lợi ích cá nhân, thậm chí “lợi ích nhóm” đã vi phạm những giá trị đạo đức công vụ để trục lợi...
Xét trên các quy định của Luật hay đạo đức công vụ, dù không ai cấm cán bộ, công chức, viên chức làm thêm để cải thiện cuộc sống nếu như không “ăn cắp” giờ cơ quan và không vi phạm các quy định của pháp luật dành cho công chức, viên chức. Nhưng việc lạm dụng “quyền công” để làm những việc cho lợi ích cá nhân lại là hoàn toàn trái luật.
Đã có rất nhiều quy định pháp luật đưa ra về việc cấm viên chức, công chức thành lập, quản lý DN, nhưng Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cũng quy định, một trong những việc mà cán bộ, công chức, viên chức không được làm đó là thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành DN tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh… trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Luật này cũng cấm cán bộ, công chức, viên chức làm tư vấn cho DN, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về các công việc liên quan đến bí mật nhà nước, những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc mình tham gia giải quyết. Như không ít trường hợp vẫn “lách luật” để làm, các công ty, DN trở thành “sân sau” của họ. Từ đó, dẫn đến hiện tượng tham nhũng quyền lực, tham nhũng trong xin - cho, “lợi ích nhóm” trong các vấn đề, lĩnh vực họ phụ trách, có quyền hạn… Điển hình là hàng loạt cán bộ bị xử lý kỷ luật bởi việc “lạm quyền” này.
Xóa bỏ tâm lý “hưởng thụ”
Phân tích về các nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức không toàn tâm, toàn ý cho công việc công, nhiều vấn đề đã được các chuyên gia đưa ra, từ môi trường làm việc, lương thấp, đến việc đánh giá công chức, viên chức vẫn cào bằng, rồi việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, chưa có sự giám sát của cấp có thẩm quyền.
Thực tế, đúng là có một thực trạng là những người làm việc trong các đơn vị hành chính nhà nước có mức lương thấp hơn những người làm tại các DN, tình trạng này dẫn tới việc nhiều cơ quan nhà nước không giữ chân được người giỏi. Nhưng ngược lại, khu vực nhà nước cũng là “niềm mơ ước” của một bộ phận không nhỏ. Và trong số đó, không ít người đi làm chỉ để "giữ suất", "đi làm cho vui" mà không thật sự đam mê, cống hiến, tận tụy trong công việc. Nhiều người muốn kiếm tiền nhanh sẽ vi phạm luật, kéo theo việc sẽ gây khó khăn trong việc cải cách nền công vụ và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong đó có “tham nhũng thời gian công”…
Mới đây, Bộ Nội vụ đã công bố một con số giật mình: Tổng hợp báo cáo của hơn 40 tỉnh và các bộ, ngành, có đến hơn 67% số công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ, hơn 27% hoàn thành xuất sắc, còn lại là hoàn thành nhiệm vụ nhưng có mặt hạn chế và chỉ 0,63% không hoàn thành nhiệm vụ Quy chế hiện hành không dễ sa thải, cắt giảm lương, hạ bậc hay xử phạt đối với những người bê trễ trong công việc nên nhiều người tìm cách chạy bằng được vào cơ quan nhà nước hoặc có được suất biên chế là yên ổn. Khi đã chắc chân rồi thì tìm cách làm ăn ngoài không phải quá hiếm. Chính tâm lý “hưởng thụ” tồn tại khá sâu nặng trong nhiều cán bộ, công chức ấy cũng dẫn đến thái độ làm việc kiểu cầm chừng, bởi làm nhiều, làm ít thì mức lương vẫn vậy, đánh giá cũng không mấy khác. Chính vì thế đã “dung dưỡng” những người trì trệ, thiếu trách nhiệm.
“Đã đến lúc phải có cơ chế, chính sách phù hợp trên cơ sở lấy hiệu quả làm thước đo trong chế độ công vụ”, đó là vấn đề nhiều người đưa ra để chấn chỉnh thái độ làm việc kiểu “chân trong, chân ngoài” của một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay.
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Đáng chú ý, Luật đã bỏ quy định viên chức suốt đời, thay vào đó, viên chức được tuyển dụng mới sẽ được ký kết hợp đồng xác định thời hạn. Như nhiều ý kiến nhận định, đây chính là một tín hiệu mừng, giúp viên chức không ngừng đổi mới, sáng tạo, tránh tâm lý ì trệ trong công việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”; đồng thời bảo đảm được cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng ký hợp đồng liên tục, phấn đấu nâng cao trình độ. Cơ chế này cũng nên áp dụng cả cho hệ thống công chức.
Một vấn đề cũng được nhiều ý kiến đề cập tới chính là cải cách tiền lương, đảm bảo tương xứng với vị trí việc làm và mức độ cống hiến. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đã nhận định, chính sách tiền lương phải tạo sự thu hút, trọng dụng người có tài, có đức, tận tâm đối với công việc; đồng thời cũng là tiêu chuẩn để sa thải những người không đủ năng lực, đặc biệt phải loại bỏ những công chức biến chất, lợi dụng chức quyền, hạch sách, tham nhũng làm mất lòng tin của Nhân dân đối với chính quyền.
Tuy nhiên, hiện đội ngũ người hưởng lương từ ngân sách quá lớn, quá cồng kềnh gây rất nhiều khó khăn cho cải cách chính sách tiền lương. Một khảo sát của cơ quan phát triển Liên Hợp quốc cho thấy: 14,4% số lao động trong khu vực nhà nước có từ hai việc làm trở lên. Nói cách khác là tình trạng “chân trong, chân ngoài” mà nguyên nhân chính ở đây là lương không đủ sống.
Tình trạng công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” khá nhiều trong khi thiếu nhân tài và chảy máu chất xám. Theo ước tính của các chuyên gia, có tới 30% số công chức không làm được việc, tiêu tốn nhiều nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước mỗi năm.
Đây là hai mặt của cuộc cải cách, chúng ta không thể chỉ nghiên cứu tăng lương, mà chấp nhận một bộ phận công chức dựa dẫm, hoặc lợi dụng vị thế về quyền lực, mưu cầu lợi ích riêng, làm ảnh hưởng đến danh dự của người đại diện cho chính quyền, sánh ngang bằng với những người tâm huyết với công việc.
Việc chú trọng công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm thực chất cũng cần chú trọng hơn nữa. Bởi việc thực hiện nghiêm túc việc phân loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm, phát hiện những người vi phạm quy định của Luật, đạo đức công vụ hoặc không tận tâm với chức trách, nhiệm vụ được giao sẽ giúp đưa ra khỏi bộ máy, loại khỏi nền công vụ những người không đủ phẩm chất, năng lực, những người lạm dụng “quyền công” để mưu cầu “việc tư”.

Xét trên các quy định của Luật hay đạo đức công vụ, dù không ai cấm cán bộ, công chức, viên chức làm thêm để cải thiện cuộc sống nếu như không “ăn cắp” giờ cơ quan và không vi phạm các quy định của pháp luật dành cho công chức, viên chức. Nhưng việc lạm dụng “quyền công” để làm những việc cho lợi ích cá nhân lại là hoàn toàn trái luật.


Việc không đúng và không nên

"Việc cán bộ, công chức “chân trong, chân ngoài”, không tận tâm với công việc đã được nói đến nhiều, Luật và các đề án liên quan đến công vụ cũng đã có nhiều quy định để điều chỉnh, vấn đề là việc thực hiện còn chưa nghiêm nên chưa giải quyết triệt để được. Nhiều người khi lý giải cho tình trạng này hay đưa lý do “lương không đủ sống nên phải kiếm ngoài”, nhưng xét cho cùng, khi bước chân vào hệ thống công vụ, bản thân họ đã biết rất rõ chế độ lương bổng, nhưng họ vẫn chấp nhận vào, bởi họ muốn “lấy danh” để làm ngoài. Đó là việc không đúng và không nên.

Thậm chí nặng hơn, việc “lạm dụng quyền công” còn gây ra những hậu quả cho xã hội, đó là điều không được phép. Để giải quyết tình trạng này, trước hết rất cần vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, thực hiện nghiêm các quy định đã có; rà soát đội ngũ, tinh giản biên chế những người làm việc không hiệu quả. Đồng thời, việc đánh giá cán bộ, công chức cũng phải minh bạch, tránh cào bằng, người làm nhiều cũng như làm ít.

Và hơn thế nữa, cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để làm gương, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Chỉ như thế mới thúc đẩy được tinh thần, thái độ làm việc của những người có tâm với công việc." - PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội nữ trí thức Hà Nội


Siết lại quy định công vụ

"Cán bộ, công chức “nhấp nhổm”, “chân trong, chân ngoài” hay nặng hơn là “lạm dụng quyền lực trong khu vực công để mưu cầu lợi ích cá nhân” dù không nhiều, nhưng vẫn xảy ra. Về khía cạnh pháp luật, các quy định đã khá đầy đủ, từ các quy định cấm của luật, đến các quy định về đạo đức công vụ…, tuy nhiên việc xử lý không hề dễ dàng, bởi hiện cũng chưa có một thống kê đầy đủ nào về hiện tượng này.

Vừa qua, một số trường hợp lạm dụng quyền hạn bị xử lý kỷ luật, nhưng nhìn lại cho thấy, việc đó cũng kéo dài một thời gian không hề ngắn, những người quản lý trực tiếp cũng không có một động thái gì để ngăn chặn hay xử lý sớm. Nói điều đó để thấy rằng, trước thực trạng đã nhìn thấy được này, để xử lý được, trước hết phải siết chặt hơn nữa các quy định về trách nhiệm công vụ, đề cao trách nhiệm của người quản lý trực tiếp và với những vi phạm nặng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào hệ thống công vụ cần xử lý cả cá nhân vi phạm và người liên quan, để làm gương." - Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần