Vẫn thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm đê điều

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/3, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức cuộc họp bàn giải pháp xử lý tình trạng vi phạm đê điều trên địa bàn TP.

Theo đánh giá, để xử lý tốt vi phạm cần có sự phối hợp, vào cuộc quyết liệt hơn từ phía các đơn vị chức năng liên quan.
Thống kê của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (PCLB) (Sở NN&PTNT Hà Nội), trong năm 2016 và 2 tháng đầu năm 2017, tổng số vụ vi phạm đê điều phát sinh trên địa bàn TP là 267 vụ. 5 loại hình vi phạm được ông Đỗ Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB chỉ ra đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn hành lang đê điều gồm: Khai thác cát, xe quá tải chạy trên đê, đổ phế thải ven sông, tập kết vật liệu xây dựng và xây dựng công trình trái phép.
Đáng chú ý, rất nhiều trường hợp vi phạm đã được xác định, lập biên bản, nhưng việc xử lý chưa kiên quyết. Đơn cử như đối với các bãi tập kết, trung chuyển vật liệu trên các tuyến đê. Thống kê cho thấy, toàn TP có 187 bãi đang hoạt động, trong đó có tới 153 bãi không có giấy phép, chỉ 34 bãi có giấy phép hoạt động. Thế nhưng nhiều bến bãi không phép này vẫn ngang nhiên hoạt động suốt ngày đêm.

Xe quá tải chạy trên đê sông Hồng đoạn qua địa phận huyện Đông Anh, Mê Linh. Ảnh:  Trọng Tùng

Việc xử lý các vụ vi phạm cũng đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây: Giai đoạn 2011 - 2012, tỷ lệ số vụ vi phạm được xử lý đạt khoảng 20%; đến các năm 2013 - 2014 giảm còn khoảng 15%; 2 năm qua (2015 - 2016) chỉ đạt gần 10%. Tính riêng năm 2016 và 2 tháng đầu năm 2017, trong tổng số 267 vụ vi phạm, các cơ quan chức năng cũng mới xử lý được 31 vụ.
“Vi phạm đê điều diễn biến phức tạp, nhưng không phải là không thể xử lý” - ông Hà Đức Trung - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định. Ông Trung dẫn chứng, năm 2015, sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (khi đó đang là Phó Thủ tướng - PV) đã đi thị sát tình trạng khai thác cát trái phép dọc tuyến đê sông Hồng đoạn qua huyện Thường Tín và chỉ đạo Hà Nội xử lý. Các đơn vị chức năng của TP đã vào cuộc quyết liệt, kết quả là đến nay, nạn khai thác cát trái phép tại khu vực này đã gần như không còn. Điều quan trọng nhất ở đây là cần có sự phối hợp và vào cuộc quyết liệt từ phía các sở, ban, ngành, các địa phương.
Tại cuộc họp, nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm đê điều đã được đại diện các sở, ban, ngành, lãnh đạo một số địa phương đưa ra. Đáng chú ý, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho rằng, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số vi phạm nghiêm trọng. Theo ông Hoàng, không ít trường hợp đơn vị vi phạm không hợp tác, thậm chí là chống đối, gây rất nhiều khó khăn cho chính quyền trong việc xử lý. Đồng tình với đề xuất trên, ông Trần Công Tuyên - đại diện Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Thủy lợi) cho biết thêm, muốn xử lý triệt để cần có sự vào cuộc nghiêm túc ngay từ khi vi phạm mới phát sinh: “Lãnh đạo địa phương không thể nói là có vi phạm mà không biết. Nói như vậy là chưa sâu sát trong quản lý. Khi đã để vi phạm mở rộng và kéo dài thì việc xử lý sẽ khó khăn, tốn kém hơn rất nhiều…”. Theo ông Tuyên, Hà Nội nên nghiên cứu mở chiến dịch xử lý triệt để vi phạm đê điều, giống như cách thức TP đang triển khai để giành lại vỉa hè cho người đi bộ.   

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần