Vạn Thủy Tú - địa chỉ cầu an

Phan Mỹ Hảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dinh Vạn Thủy Tú là một trong những vạn cổ kính bậc nhất của nghề biển tại Bình Thuận, dinh tọa lạc tại đường Ngư Ông, phường Đức Thắng, TP Phan Thiết.

Dinh được đánh giá là một công trình kiến trúc cổ vô cùng độc đáo, mang lối kiến trúc Tứ Trụ, hệ thống các bộ vì kèo, rường cột, các gian đều được thiết kế tứ trụ bằng các loại gỗ quý, trau chuốt rất công phu, tỉ mỉ. Đền thờ chính điện, nhà Tiền Hiền, Võ Ca được sắp xếp theo hình chữ Tam quay mặt về hướng Đông. Thời điểm ban đầu, khi vừa mới xây xong, cửa vạn được kề sát biển, nhưng cho đến nay bờ biển đã cách xa cửa khoảng 100m. Bên trong vạn vẫn còn lưu giữ lại rất nhiều di sản Hán - Nôm, với hoành phi, câu đối được tạc trên đại hồng chung.
Dinh Vạn Thủy Tú, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, nơi thờ thần Nam Hải - tức Cá Ông. Ảnh: Đào Nguyên
Đến đây, du khách sẽ thấy chiếc chuông đồng, khắc chữ Hán ghi “Tự Đức nhị thập ngũ niên, xuân Quý Giao dáng, Thủy Tú Vạn, Bổng vạn đồng ký”. Dịch nghĩa: “Chuông này được đúc vào năm Tự Đức thứ 25 (Nhâm Thân 1872). Tính cho đến thời điểm hiện tại là 148 năm. Ở Vạn Thủy Tú còn lưu lại 24 điều sắc thần của các vị vua đã qua đời. Những bức điều sắc này được làm bằng giấy, với niên đại lên đến hơn 150 năm tuổi.
Chính diện đặt ban thờ Thần Nam Hải, bên tả là nơi để khám thờ Ông Thủy (ông tổ nghề biển), phần bên hữu bày biện để thờ Bà Thủy. Phía sau Chính điện là vị trí của nhà Tiền Vãng, nơi này thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền, trong đó có những người từng mang nhiều công trạng trong thời gian xây dựng làng và lập nên vạn. Phía trước nhà Võ Ca là nơi thường xuyên tổ chức hát bội trong những dịp vạn tổ chức hội trong năm.
Do vị trí địa lý và gió mùa nên năm nào ngư dân Thủy Tú (Phan Thiết) cũng vớt được "Ông" hoặc các "Bà" lụy, có năm tới 6 - 7 trường hợp nên từ năm Nhâm Ngọ (1762) đã cất dinh vạn để thờ thần cá voi. Cũng như các dinh vạn khác, dinh vạn Thủy Tú được người dân lập lên nhằm mục đích cầu sự bình an, sóng yên biển lặng và ra khơi thu được nhiều tôm cá.
Trong khuôn viên của Vạn Thủy Tú có đất rộng dùng làm nơi mai táng cá ông khi vào bờ. Theo phong tục dân biển, phải chờ đến sau 3 năm khi mang táng thì xương cốt mới được nhập tẩm hệt như chúng ta thờ phụng người thân. Theo lệ, ai phát hiện được “ông lụy” thì có bổn phận chôn cất và để tang Ông như để tang chính cha mẹ mình.
Dinh vạn có một phòng lưu trữ, bảo tồn chừng 600 bộ hài cốt của các "Ông", "Bà" và "Cậu", là những loài cá lớn như cá voi, cá heo…, được coi như những hải thần phò trợ, cứu mạng người đi biển theo quan niệm của ngư dân.
Trong đó, có những bộ xương mang niên đại 100 - 150 năm được người dân lưu giữ, thờ cúng hết sức tôn nghiêm. Đặc biệt, dinh vạn Thủy Tú đang lưu bộ xương cá voi lớn nhất Việt Nam suốt hơn 2 thế kỷ nay, gắn với lịch sử ra đời của dinh. Theo đo đạc, bộ xương Cá Ông của vạn Thủy Tú dài đến 22m.
Hàng năm, Vạn Thủy Tú có 4 lễ hội, Lễ Tế Xuân (ngày 20 tháng 2 âm lịch) Lễ Hạ Nghệ ( ngày 20 tháng 4 âm lịch để cầu cho mưa thuận gió hòa) Lễ Tế Thu ( ngày 20 tháng 7 âm lịch để cúng của chèo dọc) Lễ Mãn Mùa ( ngày 25 tháng 8 âm lịch). Khách du lịch và người dân quanh vùng thường tìm đến đây vào 2 lễ chính, dịp tháng 2 và tháng 8 âm lịch hàng năm để tham gia lễ tế xuân và tế thu.