“Vàng đen” mất đà tăng do giới đầu tư thất vọng với OPEC

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua, thị trường dầu thế giới chứng kiến sự mất giá mạnh trong bối cảnh các nhà đầu tư tỏ ra thất vọng về kết quả cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 25/5.

Mặc dù ghi nhận tăng giá trong 2 phiên đầu tuần và cuối tuần, nhưng nhìn chung cả tuần giá dầu thế giới vẫn giảm mạnh, giá dầu Brent giảm 2,7% và giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giảm 1,1%.
Giá dầu thế giới giảm mạnh trong cả tuần qua.
Trong phiên giao dịch đầu tuần (22/5), thị trường “vàng đen” thế giới chứng kiến phiên tăng giá thứ 4 liên tiếp trước kỳ vọng của nhà đầu tư về khả năng các nước thành viên OPEC sẽ kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác trong cuộc họp hôm 25/5.
Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên giao dịch ngày 23/5 và là phiên thứ 5 tăng liên tiếp khi giới đầu tư tiếp tục nuôi hy vọng vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng mới của OPEC.
Cuộc họp của các nước OPEC vào ngày 25/5 được kỳ vọng sẽ kéo dài thời gian thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng tới cuối năm nay hoặc hết quý I/2018.
Tuy nhiên, giá dầu lại quay đầu giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/5, do phản ứng của giới đầu tư trước thông tin lượng xăng dự trữ của Mỹ giảm ít hơn dự đoán. Theo số liệu được công bố ngày 24/5 của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã giảm 4,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 19/5, vượt dự đoán giảm 2,4 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Trong khi lượng xăng dự trữ chỉ giảm 787.000 thùng, thấp hơn so với mức dự đoán giảm 1,2 triệu thùng.
Trong phiên giao dịch ngày 25/5, giá dầu thế giới lao dốc do các nhà đầu tư thất vọng về việc OPEC chỉ kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác đến hết tháng 3/2018, mà không cắt giảm thêm sản lượng khai thác dầu để hạn chế nguồn cung. Trong phiên này tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 7/2017 giảm 2,46 USD (4,8%) xuống 48,90 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 7/2017 tại London cũng giảm mạnh 2,50 USD (4,6%) xuống 51,46 USD/thùng.
Theo các chuyên gia phân tích, các nhà đầu tư kỳ vọng các nước trong và ngoài OPEC sẽ cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ nhiều hơn nữa hoặc thậm chí kéo dài thỏa thuận cắt giảm trong một khoảng thời gian dài hơn.
Tuy nhiên, các nước OPEC và các quốc gia xuất khẩu dầu chủ chốt khác vẫn quyết định giữ nguyên mức cắt giảm như thỏa thuận trước đó là 1,8 triệu thùng/ngày để tái cân bằng thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Giới đầu tư lo ngại rằng việc không nâng sản lượng cắt giảm và bổ sung các thành viên mới vào cam kết sẽ khuyến khích các quốc gia ngoài OPEC như Mỹ tăng sản lượng khai thác dầu, gây trở ngại cho những nỗ lực hạn chế nguồn cung toàn cầu của tổ chức này.
Tới phiên cuối tuần, giá dầu phục hồi, nhờ hoạt động mua vào khi giá hạ của giới đầu tư. Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 0,69USD lên 52,15 USD/thùng, còn giá dầu WTI tăng 0,90USD lên 49,80 USD/thùng.
Công ty Baker Hughes cho biết, số giàn khoan dầu tại Mỹ đã tăng tuần thứ 19 liên tiếp, song tốc độ tăng đã chậm lại khi chỉ có thêm 2 giàn khoan trong tuần.