Vang mãi “Bài ca kết đoàn”

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hướng tới chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và 91 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2021), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày chuyên đề “Bài ca kết đoàn”. Nhiều tư liệu, câu chuyện của các nhân chứng sẽ gợi nhớ những thời khắc quan trọng của lịch sử dựa trên tinh thần đoàn kết.

Du khách tham quan phòng trưng bày chuyên đề “Bài ca kết đoàn”.
Nơi vang mãi bài ca tháng Tám
Hình ảnh ghi lại khoảnh khắc Bác Hồ đứng trên bục chỉ huy, bắt nhịp “Bài ca kết đoàn” được nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long chụp lại mở ra không gian trưng bày “Bài ca kết đoàn” với hàng trăm tư liệu, hình ảnh tư liệu quý báu. Trong số những hình ảnh đó, nổi bật là câu nói của Bác: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Trưng bày được thể hiện qua 2 nội dung: “Dấu ấn nơi miền quê” và “Dưới cờ Đảng vẻ vang”.

“Dấu ấn nơi miền quê” là câu chuyện kể về những người con ưu tú trong cùng gia đình, dòng họ ở một số miền quê, đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nổi bật là khu vực giới thiệu về xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội - nơi vang mãi bài ca tháng Tám. Xã Đông Mỹ là nơi thành lập Chi bộ Đông Phù (Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội). Sự ra đời của Chi bộ ngày 15/5/1930 đã thúc đẩy và nuôi dưỡng ngọn lửa cách mạng nơi đây thêm sáng chói. Giai đoạn 1939 - 1942, nhiều đồng chí lãnh đạo của T.Ư Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ đã về Đông Mỹ chỉ đạo phong trào đấu tranh, đặt các cơ quan giao thông, in ấn. Tham gia hoạt động cách mạng, nhiều người con của Đông Mỹ từng bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò và các nhà tù khác như: Đồng chí Đỗ Mười, Nguyễn Thị Tam. Sau khi thoát khỏi những “địa ngục trần gian”, các đồng chí đã tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Ngoài Hà Nội, triển lãm còn giới thiệu những câu chuyện xúc động về con người, vùng đất khác như: Xã Võ Liệt (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) - nơi nổi tiếng với bề dày lịch sử, đặc biệt là trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931). Riêng gia đình họ Tôn giai đoạn 1925 - 1945 có hai anh em - hai chiến sĩ cách mạng kiên cường: Tôn Quang Phiệt và Tôn Thị Quế. Họ đứng trong hàng ngũ đấu tranh do Đảng lãnh đạo. Hai đồng chí từng bị thực dân Pháp bắt, giam nhiều năm tại các nhà tù. Đóng góp của những người con ưu tú đã góp phần tỏa sáng truyền thống của một vùng quê Xô Viết anh hùng.

Sống lại không khí Đại hội Đảng

Phần 2 của triển lãm với chủ đề “Dưới cờ Đảng vẻ vang” đã khái quát lại chặng đường dân tộc Việt Nam cùng chung sức, đồng lòng vượt qua những chặng đường khó khăn sau chiến tranh, để xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Nổi bật trong số những tư liệu trưng bày tại triển lãm là lời Bác Hồ nhắn nhủ trong di chúc: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ T.Ư đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Mỗi kỳ Đại hội Đảng đánh dấu mốc lịch sử quan trọng. “Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa” - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói. Đại hội XIII của Đảng diễn ra vào thời điểm đất nước đã trải qua hành trình 35 năm đổi mới kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), là dấu mốc có ý nghĩa định hướng tương lai, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đi lên, xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Có mặt tại triển lãm, ông Phạm Xuân Hợp (Đống Đa, Hà Nội) xúc động chia sẻ: “Xem những hình ảnh, tư liệu tại triển lãm, tôi như được sống lại không khí buổi dạ hội của Nhân dân Hà Nội chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III tại Công viên Bách Thảo 60 năm về trước. Khoảnh khắc Bác Hồ đứng trên bục chỉ huy, bắt nhịp “Bài ca kết đoàn”. Sau này, hình ảnh đó đã trở thành một trong những biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc”.

Suốt quá trình đất nước thống nhất, xây dựng và phát triển, tinh thần đoàn kết ấy lại được phát huy ở tầm cao mới, để Nhân dân Việt Nam vượt qua gian nan, tiến bước trên con đường đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những “Bài ca kết đoàn” vẫn vang lên như Bác bắt nhịp thuở nào, để kết thành ý chí, quyết tâm xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.