Vang mãi bản hùng ca bất diệt - Bài 1: Tiếng gọi của non sông

Hà Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây 70 năm, vào đêm 19/12/1946, với ý chí “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, toàn dân tộc Việt Nam nhất tề đứng dậy, anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc.

Tiếng súng Toàn quốc kháng chiến thể hiện sự tiếp nối truyền thống kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, mở đầu thiên anh hùng ca bất diệt của chiến tranh Nhân dân Việt Nam dưới thời đại Hồ Chí Minh.
Bài 1: Tiếng gọi của non sông
Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi thực dân Pháp ngày càng lấn tới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã anh dũng, quật cường đứng lên, kiên quyết chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc.
Không thể nhân nhượng
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với “thù trong, giặc ngoài”, nạn đói hoành hành, khó khăn chất chồng, tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhạy bén, sáng suốt, bình tĩnh chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh hiểm nguy, từng bước tiến lên. Đứng vững trên nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra sách lược ngoại giao mềm dẻo, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, linh hoạt, phù hợp với từng thời điểm của lịch sử nhằm phân hóa kẻ thù, loại trừ từng bước các thế lực thù địch, phản động, tranh thủ thời gian để củng cố và phát triển lực lượng cách mạng.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải thăm hỏi gia đình nguyên Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hà Nội  Nguyễn Văn Trân.  Ảnh:  Thanh Hải

Với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp mỗi lúc một điên cuồng lấn tới. Là hiện thân của ý chí hòa bình Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm hết sức mình để tránh một cuộc chiến tranh đổ máu cho hai dân tộc Việt - Pháp, nhưng khi kẻ thù đã buộc chúng ta phải cầm súng bảo vệ Tổ quốc, thì Nhân dân ta không sợ hy sinh, gian khổ, kiên quyết chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc.
Được đế quốc Anh và Mỹ tiếp sức ở miền Nam, thực dân Pháp đã tráo trở, đơn phương xóa bỏ mọi cam kết, không thi hành Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946, tăng cường các hoạt động quân sự, phá hoại nền hòa bình của Nhân dân ta. Đúng như nhận định của Thường vụ T.Ư Đảng tại Hội nghị Quân sự toàn quốc lần thứ nhất (ngày 19/10/1946): “Không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp”. Tháng 11/1946, quân Pháp gây xung đột và khiêu khích ta ở Hải Phòng; đầu tháng 12/1946, chúng chiếm Đà Nẵng, Lạng Sơn; ngày 17/12/1946, chúng gây hấn ở Thủ đô Hà Nội... Đặc biệt, ngày 18/12/1946, chỉ huy quân Pháp đã gửi tối hậu thư đòi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu và giao quyền kiểm soát Thủ đô Hà Nội cho chúng trong vòng 48 giờ. Để bảo vệ nền độc lập vừa giành được, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”, chỉ rõ: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.
Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh
Theo Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Bạo - Viện trưởng Viện Lịch sử quân đội, Đảng ta đã phát động Toàn quốc kháng chiến vào đêm 19/12/1946 - một quyết định đúng thời cơ. Đảng không phát động sớm hơn, bởi như thế chúng ta tự rút ngắn thời gian chuẩn bị, trong khi chưa chuẩn được là bao. Cũng không thể muộn hơn, bởi khi đó Pháp đã có quân tăng viện, cuộc chiến đấu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Đồng thời  trong tình thế quân địch đã có lực lượng ở Thủ đô, có ưu thế tuyệt đối về lực lượng và phương tiện, lại đóng xen kẽ với ta, nếu để cho kẻ thù đánh trước, lực lượng ta sẽ bị tổn thất, thậm chí chúng có thể vây bắt cơ quan đầu não lãnh đạo kháng chiến. Và hơn nữa, “nín nhịn đã nung nấu trong lòng dân tộc ta biết bao uất hận, nổ thành sức mạnh xung thiên” cho toàn dân bước vào cuộc kháng chiến với niềm tin tất thắng, với tinh thần “cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh”.
Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân cả nước với ý chí “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu là cuộc chiến đấu của quân và dân Thủ đô Hà Nội. Cùng với quân dân Thủ đô, quân dân các địa phương trong cả nước đã chiến đấu ngoan cường, giam chân địch. Đường lối kháng chiến của Đảng ta xác định ngay từ đầu là chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.
Đại tá, PGS.TS Lê Đình Sỹ - nguyên Phó Viện trưởng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam phân tích, cuộc chiến đấu mở đầu kháng chiến Toàn quốc của quân và dân Thủ đô Hà Nội và các TP, thị xã phía Bắc nước ta cách đây 70 năm đã diễn ra trong tình thế không thể nhân nhượng hơn được nữa. Cả dân tộc Việt Nam buộc phải tiến hành cuộc chiến đấu sinh tử chống thực dân Pháp để bảo vệ chính quyền dân chủ Nhân dân, bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa mới giành lại được. Cuộc chiến đấu của quân và dân Thủ đô Hà Nội trong 60 ngày đêm khói lửa ấy, thể hiện một cách đánh độc đáo, một nghệ thuật chỉ đạo khởi đầu cuộc kháng chiến hết sức chủ động, đúng thời cơ trước một kẻ thù bội phần mạnh hơn ta về mặt quân sự.
Thủ đô Hà Nội ngày ấy “Mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sỹ”, Nhân dân Thủ đô không quản ngại hy sinh, gian khổ ngày đêm lập những chiến lũy trên đường phố Hà Nội để ngăn cản bước tiến quân thù. Mặc dù lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ, chống lại kẻ địch tinh nhuệ được trang bị vũ khí hiện đại, nhưng đồng bào và chiến sỹ Thủ đô đã chiến đấu anh dũng, giam chân kẻ thù suốt 60 ngày đêm (từ 19/12/1946 đến 17/2/1947), tạo điều kiện để T.Ư Đảng, Chính phủ rút về khu an toàn, tản cư được phần lớn Nhân dân, đưa một khối lượng lớn máy móc, thiết bị công nghiệp lên chiến khu, góp phần cho cả nước chuẩn bị chủ động bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải thăm, chúc sức khỏe các đồng chí lão thành cách mạng
Sáng 12/12, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã đến thăm, chúc sức khỏe đồng chí Nguyễn Văn Trân - nguyên Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2016).
Thay mặt lãnh đạo TP, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc, sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đối với những đóng góp của đồng chí Nguyễn Văn Trân và các thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu cho cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, sự phát triển của đất nước. “Bằng sự hy sinh và đóng góp, các bác, các đồng chí trở thành những hình ảnh, biểu tượng cho truyền thống yêu nước quật cường của dân tộc Việt Nam; là minh chứng sống, là tấm gương cho thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi theo” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh. Nhân dịp này, Bí thư Thành ủy chúc đồng chí Nguyễn Văn Trân cùng gia đình sức khỏe, hạnh phúc, tiếp tục quan tâm, đóng góp cho công việc chung của TP.
Sáng cùng ngày, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã đến thăm, tặng quà bà Đinh Thị Ngọc Quý (SN 1930, là cán bộ tiền khởi nghĩa, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm); ông Phạm Khắc Quý (SN 1923, cán bộ tiền khởi nghĩa, thương binh 4/4, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm). (Quốc Toản) 

Chiều 12/12, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Công an, Bảo tàng Hậu cần tổ chức triển lãm chuyên đề “Bản hùng ca Mùa Đông năm 1946”.
Với 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật quý, Triển lãm được chia làm 3 phần: Đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, Âm vang bản hùng ca kháng chiến. Triển lãm tái hiện sinh động, trung thực về sự kiện Toàn quốc kháng chiến năm 1946, tiêu biểu là quân dân Thủ đô Hà Nội mở đầu Toàn quốc kháng chiến và những âm hưởng của sự kiện quan trọng này. Triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ nay đến hết tháng 12/2016. (Linh Anh)
 (Còn nữa)