Vắng Nga, Trung Quốc, cuộc họp về Triều Tiên có nên chuyện?

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung Quốc, đối tác thương mại và được coi là nhân tố chính trong giải pháp dài hạn với vấn đề Triều Tiên, vắng mặt trong cuộc họp.

Ngoại trưởng từ 20 quốc gia ngày sẽ có cuộc họp diễn ra từ 16 - 17/1 để thảo luận về việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên thông qua áp lực ngoại giao và tài chính. 
Cuộc họp Vancouver, được Canada và Mỹ đồng tổ chức, xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu hạ nhiệt tạm thời. Triều Tiên và Hàn Quốc đã tổ chức cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên trong 2 năm qua hồi tuần trước và Bình Nhưỡng đã đồng ý cử đoàn vận động viên tham dự Thế vận hội mùa đông tổ chức ở Hàn Quốc. 
 Cuộc họp do Mỹ và Canada đồng tổ chức.
Những nước khác tham gia cuộc họp này có Nhật Bản và Hàn Quốc - hai đồng minh hàng đầu của Mỹ trong nỗ lực ngăn chặn chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Trung Quốc, đối tác thương mại và được coi là nhân tố chính trong giải pháp dài hạn, lại vắng mặt.
Mỹ và một số nước khác cho rằng, cộng đồng quốc tế cần phải xem xét việc mở rộng một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào chương trình hạt nhân của Triều Tiên. "Có nhiều bằng chứng cho thấy lệnh trừng phạt mạnh nhất từ trước đến nay đang phát huy tác dụng", ông Brian Hook, Giám đốc bộ phận hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định. Cũng theo ông Brian Hook, Washington sẽ xem xét làm thế nào để tăng cường an ninh hàng hải xung quanh Triều Tiên nhằm chặn các tàu đang “lách” lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc cung dầu cho Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, biện pháp tăng nặng lệnh trừng phạt vẫn còn gây ra nhiều hoài nghi về hiệu quả bởi đến thời điểm này, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un không có dấu hiệu chấp nhận những yêu cầu của Mỹ về việc đàm phán liên quan đến chương trình hạt nhân được cho là tối quan trọng của Bình Nhưỡng. 
 Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Ri Son Gwon trong cuộc đàm phán tuần trước.
Một thách thức nữa ở cuộc họp Vancouver sẽ là sự vắng mặt của Trung Quốc. Bắc Kinh là đồng minh duy nhất, đối tác thương mại chính của Bình Nhưỡng và có ảnh hưởng đáng kể với Triều Tiên. Thậm chí, nhiều chuyên gia nhận định, động thái "xuống thang" nối lại đàm phán vừa qua của Bình Nhưỡng cũng có phần nào tác động từ Bắc Kinh. Vì vậy, việc thiếu vắng Trung Quốc sẽ gây ra những hệ quả nhất định, các nhà quan sát dự đoán. “Việc Bắc Kinh không tham dự cuộc họp này sẽ gây ra hạn chế với những thành quả đạt được”, một nhà ngoại giao cao cấp cho hay.
Đại diện phía Mỹ cho biết, Trung Quốc và Nga dù không góp mặt  nhưng sẽ được thông báo đầy đủ về kết quả cuộc họp. Nhưng Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng, cuộc họp không có sự tham gia của các bên có tiếng nói đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ không giúp giải quyết được vấn đề.
Ông Zhao Tong - chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua ở thủ đô Bắc Kinh lý giải, sở dĩ Washington không muốn Nga và Trung Quốc tham dự cuộc họp này vì không muốn Moscos và Bắc Kinh đề nghị Mỹ - Hàn ngừng các cuộc tập trận quân sự.

Trong một động thái có liên quan, Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên lên án Mỹ không từ bỏ việc áp đặt lệnh trừng phạt nặng hơn lên Bình Nhưỡng và cho rằng, nước này đang dội nước lạnh vào bầu không khí hòa giải. Những động thái khó lường này dự báo, không khí căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên vừa được hạ nhiệt chưa bao lâu hoàn toàn có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần