Vay mua nhà ở xã hội tối đa 25 năm: Thêm cơ hội cho người thu nhập thấp

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Nghị định 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển, quản lý nhà ở xã hội (NƠXH), thời hạn vay để mua, thuê mua NƠXH do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng, tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.

Theo đánh giá, Nghị định mới sẽ giúp cho người thu nhập thấp có thêm cơ hội sở hữu nhà, nhưng chưa hẳn là yếu tố quyết định sự "xuống tiền" của người trong diện.

Nhu cầu cao nhưng vẫn... thừa nhà

Anh Nguyễn Minh, trú tại khu tái định cư Đồng Tàu (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, cách đây 2 năm, gia đình anh có nhu cầu mua một căn hộ NƠXH, được giới thiệu một dự án thuộc huyện Quốc Oai, chào bán với mức giá thấp hơn nhiều khu vực khác, khoảng 9 – 10 triệu đồng/m2. Hơn nữa, quá trình xét duyệt hồ sơ đăng ký mua nhà cũng dễ hơn vì số lượng đăng ký không nhiều. Nhưng sau khi cân nhắc, gia đình anh đã quyết định đi vay thêm tiền để mua nhà gần trung tâm TP. “Vợ chồng tôi đều làm việc gần với khu vực trung tâm, nếu ở tận Quốc Oai sẽ rất khó khăn cho quá trình di chuyển do quãng đường đi làm xa, hạ tầng kỹ thuật – xã hội còn yếu” – anh Nguyễn Minh chia sẻ.
 Nhà ở xã hội Ecohome, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng
Theo khảo sát của Bộ Xây dựng, nhu cầu về nhà ở giá rẻ, NƠXH trên thị trường vẫn chiếm số lượng lớn, khoảng 70%, nguồn cung đang thiếu rất nhiều. Tính đến hết năm 2020, tổng diện tích hơn 5,21 triệu mét vuông NƠXH đã xây dựng mới chỉ đạt được khoảng 41,7% mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu mét vuông). Mặc dù nguồn không đủ cầu nhưng nhiều dự án NƠXH sau khi xây dựng xong vẫn bị ế hàng, một số dự án khác phải mở bán đến vài chục lần, đơn cử như dự án NƠXH Bamboo Garden xã Sài Sơn (Quốc Oai) phải mở bán đến 20 lần. "Cuối năm 2020 chúng tôi mới thanh khoản xong phần căn hộ” – đại diện bộ phận kinh doanh Dự án Bamboo Garden cho hay.

Không chỉ dự án trên, nhiều dự án NƠXH trên địa bàn TP Hà Nội cũng rơi vào tình trạng mở bán ròng rã. Mỗi đợt rao bán, trung bình chỉ vài chục hồ sơ đăng ký, như: Dự án NƠXH AZ Thăng Long (Hoài Đức) do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư, từ năm 2015 đến nay đã thông báo mở bán 14 lần; Dự án NƠXH tại ô đất 5.B2 Đông Hội (Đông Anh) do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư, mở bán gần chục lần... “Mặc dù nguồn cầu nhà ở NƠXH trên thị trường rất lớn, nhưng không phải nguồn cung ở bất cứ chỗ nào cũng phù hợp đối với người dân mua nhà để ở, vì thiếu tiện ích, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ. Trong khi đó, những người thu nhập thấp vốn đã khó khăn, nếu sống ở khu vực điều kiện sinh hoạt, đi lại không thuận tiện, phát sinh thêm chi phí thì sẽ rất khó để có thể khuyến khích người dân đến mua nhà” – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhìn nhận.

Cần đồng bộ hạ tầng

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển, quản lý NƠXH. Một trong những nội dung đáng chú ý là thời hạn vay để mua, thuê mua NƠXH do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng, tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Trước đây, Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định thời hạn vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.
Bên cạnh đó, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về mức vốn, lãi suất, thời hạn vay để mua, thuê, thuê mua NƠXH; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở. Cụ thể, về mức vốn vay, quy định trường hợp mua, thuê mua NƠXH thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà. Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

Đánh giá về việc này, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, áp dụng cho người được mua nhà như vậy rất hợp lý, nếu thiếu sự hỗ trợ từ chính sách thì sẽ không mua được nhà. Nhóm người thu nhập thấp là thành phần chủ yếu tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh tế - xã hội, nếu không ổn định được cuộc sống thì hoạt động sản xuất của xã hội sẽ bị đình trệ.

Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho biết, NƠXH có 2 mục tiêu chính, đó là: Tạo điều kiện cho nhóm người yếu thế trong xã hội được tiếp cận nhà ở; đồng thời là để tham chiếu cho thị trường đối với những loại hình nhà ở khác. Chưa nói về vấn đề chất lượng, giá trị của NƠXH rất quan trọng nên Nghị định 49/2021/NĐ-CP ban hành được xem như bước đột phá dành cho NƠXH. Bởi hiện nay nhà trên thị trường rất nhiều nhưng nhà để người làm công ăn lương, người yếu thế trong xã hội mua được thì không nhiều.

Liên quan đến giải pháp để các dự án NƠXH khi xây dựng lên được thanh khoản tốt hơn, ông Nguyễn Thế Điệp cho rằng, cả cơ quan quản lý Nhà nước và DN cần có chiến lược, kế hoạch phát triển bền vững, lâu dài. NƠXH phải đan xen vào các dự án nhà ở thương mại (theo quy định là 20% diện tích nhà thương mại dành cho NƠXH) để được hưởng hạ tầng kỹ thuật – xã hội tốt. Không nên xây dựng những dự án ở những vùng nông thôn, ngoại thành hoặc khu vực chưa có hạ tầng kết nối, sẽ xảy ra bất cập, có nhà mà không bán được.
“Ngoài ra, Chính phủ cũng mới quyết định mức lãi suất mua NƠXH năm 2021 là 4,8%. Theo tôi, đây là mức hoàn toàn hợp lý, khi so với mức lãi suất kinh doanh tài chính và kinh doanh sản phẩm khác. Song, để phát triển NƠXH cần phải đồng bộ từ công tác quy hoạch đến cơ chế chính sách, tránh trường hợp người có nhu cầu không mua được, mà DN có sản phẩm vẫn không bán được hàng. Tôi cho rằng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nên cho cơ chế ưu tiên đặc thù thì mới tránh được tình trạng nhà thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu” – ông Nguyễn Thế Điệp nói.

"Nghị định 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định thời hạn vay để mua, thuê mua NƠXH tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên rất tốt, có lợi cho đối tượng thụ hưởng NƠXH. Nhưng cần phải làm rõ một số vấn đề: Thời hạn cho vay liên quan đến cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng được chỉ định; việc quy định ân hạn chưa phải trả nợ gốc có thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước? Đối tượng nào được vay 15 năm, 20 năm, 25 năm?..." - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu


"Hai vợ chồng tôi làm công nhân trong Khu công nghiệp Bắc Thăng Long gần 10 năm nay. Hiện cả gia đình 4 người vẫn đang phải đi thuê trọ. Với mức lương của vợ chồng tôi từ 12 - 15 triệu đồng/tháng (gồm cả tăng ca) nếu được phép vay tối đa đến 25 năm, chúng tôi sẽ có thêm nhiều cơ hội mua NƠXH." - Anh Nguyễn Minh Tuân (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần