Vay vốn từ Quỹ Khuyến nông: Gỡ khó để phát huy hiệu quả

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, từ nguồn vốn Quỹ Khuyến nông (QKN), hàng nghìn hộ dân trên địa bàn TP đã vươn lên làm giàu. Để đạt được kết quả này, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội luôn coi trọng việc hỗ trợ, tư vấn nông dân sử dụng đúng mục đích, hiệu quả đồng vốn vay.

Chú trọng công tác quản lý
Mới đây, Hội đồng thẩm định QKN TP đã tiến hành thẩm định các phương án vay vốn QKN trên địa bàn huyện Ứng Hòa. Theo đó, trên cơ sở rà soát, chọn lọc các phương án sản xuất của các hộ có nhu cầu vay vốn, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã kiểm tra thực tế và kịp thời giải ngân cho 12 hộ với số tiền gần 2,1 tỷ đồng. Các hộ được vay vốn đợt này đều là những hộ có mô hình nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản hơn 3.000ha của huyện Ứng Hòa. Những năm qua, nhờ đồng vốn hỗ trợ kịp thời của QKN, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa, góp phần nâng giá trị sản xuất lên 150 – 200 triệu đồng/ha/năm.
Tại huyện Thanh Oai, chỉ tính riêng năm 2017, QKN TP đã giải ngân cho 25 hộ vay với tổng số tiền trên 12 tỷ đồng. Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thanh Oai Đào Xuân Quân cho hay, các hộ đã sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế cao và trả vốn đúng hạn. Có được kết quả này là do Trạm đã phối hợp chặt chẽ với UBND các xã trong quá trình quản lý, sử dụng QKN, đảm bảo phù hợp với kế hoạch, quy hoạch của địa phương. Để bảo toàn nguồn vốn QKN, Trạm gửi thông báo trước một tháng tới hộ vay vốn, đồng thời thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các hộ đến hạn trả vốn.
 Hội đồng thẩm định Quỹ Khuyến nông TP kiểm tra thực tế hộ vay vốn tại huyện Ứng Hòa. Ảnh: Ánh Ngọc.
Theo Trưởng phòng QKN TP Nguyễn Hồng Thái, trước khi duyệt cho vay vốn, các phương án sản xuất, kinh doanh của các hộ dân luôn được thẩm định kỹ lưỡng. Với những hộ vay từ 100 triệu đồng trở lên phải được Hội đồng thẩm định cấp TP gồm đại diện Sở NN&PTNT, Sở Tài chính họp bàn để quyết định mức cho vay cụ thể. Sau khi đã cấp vốn vay, QKN sẽ cử cán bộ kiểm tra 2 lần/tháng và tập huấn kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý vốn cho các hộ dân.
Cần được gỡ khó
6 tháng đầu năm 2018, Quỹ Khuyến nông đã giải ngân, hỗ trợ nông dân 49 phương án vay vốn sản xuất với số tiền 11,47 tỷ đồng, 22 phương án vay vốn thực hiện cơ giới hóa với số tiền gần 8 tỷ đồng.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn về thiên tai, giá cả vật tư tăng cao trong khi giá nông sản bấp bênh, thậm chí, một số ngành nghề có giai đoạn càng sản xuất càng bị thua lỗ như chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, do làm tốt khâu tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay nên hầu hết các hộ vay vốn QKN đều trả vốn và phí đầy đủ, đúng hạn. Nợ quá hạn chỉ chiếm chưa đến 4% tổng nguồn vốn quỹ.
Hiện nay, nhu cầu vay vốn QKN của các hộ rất lớn, nhất là khi Hà Nội hoàn thành dồn điền đổi thửa, hình thành các vùng sản xuất tập trung, người dân cần vốn để đầu tư cho mô hình. Tuy nhiên, do nguồn vốn có hạn nên nhiều hộ sản xuất vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn QKN. Đáng nói, quy trình định mức kinh tế - kỹ thuật xây dựng các mô hình vay vốn chưa được đồng bộ theo từng vùng sản xuất hàng hóa đã ảnh hưởng đến tiến độ thẩm định các phương án vay vốn. “Trung tâm phải cân nhắc, giảm mức vay theo đề nghị của các hộ để đáp ứng vốn cho nhiều hộ hơn” – bà Hương chia sẻ.
Đáng nói, trong tình hình mới, đối tượng có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất rất đa dạng, nhiều ngành nghề sử dụng lao động nông thôn chưa có điều kiện để vay vốn QKN do không nằm trong nhóm đối tượng được vay theo quy định. Bên cạnh đó, một số địa phương có chủ trương thành lập QKN để tạo nguồn tài chính cho các hộ nông dân, chủ trang trại được vay nguồn vốn ưu đãi phát triển kinh tế nhưng chưa thành lập được do vướng quy định về nguồn hình thành vốn QKN tại Nghị định 02/2010/NĐ-CP. Đây là những khó khăn đối với hoạt động của QKN đang cần sớm được tháo gỡ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần