Vẻ đẹp tuyệt mĩ của “Biệt chiếm nhất nam thiên” giữa núi rừng Hương Sơn

Bài, ảnh: Hồng Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chùa Thiên Trù toạ lạc trên thềm núi Lão, được xây dựng từ đời Vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497), thuộc thắng cảnh Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội). Với lối kiến trúc “Ngũ môn tam cấp” độc đáo, nơi đây được ví như “Biệt chiếm nhất nam thiên” giữa núi rừng Hương Sơn.

 Chùa Thiên Trù toạ lạc trên thềm núi Lão, được xây dựng từ đời Vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497), thuộc thắng cảnh Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội)
 Chùa Thiên Trù được ví như một lâu đài nguy nga, tráng lệ “Biệt chiếm nhất nam thiên” giữa núi rừng Hương Sơn.
Để tới chùa Thiên Trù, du khách phải đi đò hoặc thuyền trên suối Yến từ bến Đục. Đây là con đường độc đạo để khám phá danh thắng chùa Hương Tích - “Nam thiên đệ nhất động” của nước ta.
 Hành trình lênh đênh trên thuyền suốt 4km, du khách sẽ được thưởng ngoạn vẻ đẹp lãng mạn, ngọt ngào của thiên nhiên.
 Vào sáng sớm, khi sương mù còn bao phủ, những làn khói mỏng manh lững thững trên mặt nước khiến cho không gian trở nên mờ ảo, cô liêu, cảnh vật đẹp như một bức tranh thủy mặc trữ tình được chấm phá bởi những bông hoa súng tím.
 Chạm chân tới chùa Thiên Trù, du khách ngỡ như lạc vào một thế giới khác. 
 Mọi sắc thanh cuộc sống như được hài hòa hơn bởi sự thanh tịnh, sâu lắng trong tiếng chuông chùa. 
 Từng tiếng chuông ngân xa, có sức tác động kỳ diệu khó tả. Ánh từ bi lan tỏa luôn dung hòa được những hỗn mang từ muôn màu cuộc sống.
 Thời bấy giờ chùa Thiên Trù được xây dựng trên một mảnh đất hình chữ nhật chạy dài suốt từ chân dốc cho tới bức tường ngăn giữa khoảng đất bằng phẳng và núi Sau Chùa. 
 Kiểu kiến trúc của chùa Thiên Trù có tên là “Ngũ môn tam cấp” - tức năm cửa ba bậc. 
 Qua cổng là đến sân.
 Hai bên sân là hai dãy nhà tranh làm nơi ăn nghỉ cho du khách trong ngày hội. 
 Qua sân là đến bảo thềm thứ nhất – đây cũng là một cái sân. Trước bảo thềm này có đặt một đỉnh đồng cao 3m dùng để khói nhang. 
 Qua sân bảo thềm thứ nhất là đến bảo thềm thứ hai – là một cái sân cao hơn.
 Tiến đến sân bảo thềm thứ ba cao hơn một chút, qua hai cửa tam quan nối vào Tam Bảo chính là nơi thờ Phật. 
 Hai bên Tam Quan là gác trống bên trái và gác chuông bên phải. Hai bên Tam Bảo là hai bể nước, các buồng sư, buồng cung văn, nhà dấu, nhà oản,… 
 Phía sau Tam Bảo là điện Thánh Mẫu bên trái, gác tàng thư, nhà Tổ ở giữa và Thiên Thuỷ tháp bên phải.
 Có thể nói Chùa Thiên Trù là một công trình kiến trúc văn hóa nghệ thuật Lê - Nguyễn. 
 Đây là một ngôi chùa nổi tiếng thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX.
 Tuy nhiên, trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954) giặc Pháp đã đánh và ném bom ra vùng đất Hương Sơn 3 lần (1947, 1948 và 1950). Ngày 11 tháng 2 năm 1947 (tức năm Đinh Hợi) Tam Bảo và một số công trình đã bị giặc Pháp tàn phá. Sau nhiều lần tu bổ, tôn tạo, xây dựng, hiện nay, với quần thể kiến trúc độc đáo, chùa Thiên Trù trở thành trung tâm của thắng cảnh Hương Sơn.