Về làng... sạt lở

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Mùa mưa bão sắp về rồi, người dân thôn Phú Nhiêu chúng tôi lại chuẩn bị cho những tháng ngày sống trong thấp thỏm, lo âu...” - Trưởng thôn Phú Nhiêu (thuộc xã Thái Hòa, huyện Ba Vì) Nguyễn Hữu Cừ nói với giọng lo lắng, rồi chỉ tay về phía bãi bồi giữa dòng sông Đà, nơi con nước dữ đổi dòng, nhắm thẳng vào bờ đất.

“Đến hẹn lại... lở”
Quốc lộ 32 – tuyến đường chính nối liền trung tâm TP Hà Nội với huyện Ba Vì những ngày đầu tháng 6/2020 nóng như đổ lửa. Bất chấp lớp khẩu trang vải dày cộp che chắn phía trước, chúng tôi vẫn có cảm giác từng dòng khí nóng từ dưới mặt đường bốc lên rồi ném ập vào mặt, bỏng rát. Câu chuyện về ngôi làng “đến hẹn lại... sạt lở” dưới chân cầu Trung Hà, mà anh đồng nghiệp chia sẻ, đã thôi thúc chúng tôi vội vã lên đường.
Theo lời chỉ dẫn của một cán bộ xã Thái Hòa, chúng tôi tìm thẳng đến nhà Trưởng thôn Phú Nhiêu, Nguyễn Hữu Cừ. Nhìn người đàn ông ngồi đối diện mình với mái tóc bạc, đôi mắt quắc thước cùng giọng nói trầm hùng làm tôi liên tưởng đến một nhân vật văn học nổi tiếng - cụ Mết trong tác phẩm “Rừng Xà Nu” của Nguyễn Trung Thành.
  Vị trí làng vạn chài ở thôn Phú Nhiêu là điểm đầu của điểm sạt lở.
Rót chén trà mời khách, ông Cừ bắt đầu câu chuyện bằng một văn phong rất... hành chính: “Cả thôn Phú Nhiêu hiện có 162 hộ với hơn 590 nhân khẩu. Trong đó, số hộ bị ảnh hưởng trực tiếp từ tình trạng sạt lở bờ sông Đà là 15 hộ. Chiều dài đoạn sạt lở khoảng gần 1km, từ chân cầu Trung Hà tới khu vực làng vạn chài thôn Phú Nhiêu”.
Giọng thâm trầm, ông bảo, tình trạng sạt lở ở thôn Phú Nhiêu bắt đầu xuất hiện từ khoảng 4 - 5 năm trước. Khi đó cũng là thời điểm “người hàng xóm” bên kia sông là tỉnh Phú Thọ hoàn thành việc kè đê sông Đà. “Tôi không rõ vì sao tự nhiên phía bên này lại bị sạt lở nhưng chắc chắn, nó diễn ra sau khi bên Phú Thọ kè xong bờ sông. Ban đầu chỉ một vài chỗ bị sạt nhẹ, song càng ngày càng sạt nhiều hơn. Cũng chừng ấy thời gian, người dân Phú Nhiêu lúc nào cũng sống trong thấp thỏm, lo âu mỗi khi mùa mưa bão về” – ông Cừ chia sẻ.
Trong trí nhớ của người Trưởng thôn cao tuổi, ngày trước phía bờ hữu Đà cũng là phía phần đất thôn Phú Nhiêu của ông là bên bồi lắng chứ không phải bên sạt lở như bây giờ. Sự có mặt của bờ kè bên tả Đà đã khiến dòng chảy “quay ngoắt 180 độ”.
Cùng với đó, sự xuất hiện của một bãi bồi giữa sông càng khiến cho dòng chảy trở nên hung dữ hơn mỗi khi mưa lũ đổ về. “Liệu tình trạng sạt lở này có phần nguyên nhân nào do khai thác cát không?” – tôi đặt câu hỏi. Không cần suy nghĩ, ông Cừ khẳng định “đã từng có một chút” và “đó là tàu khai thác cát của bên phía Phú Thọ” nhưng đó là câu chuyện của 4 - 5 năm về trước.
Sau khi tàu hút cát dời đi cũng là lúc bờ hữu Đà bắt đầu xuất hiện sạt lở. “Nguyên nhân chính là thay đổi dòng chảy. Đây là điều chắc chắn. Việc quan trọng nhất bây giờ là làm sao chấm dứt được tình trạng này, nếu không chả mấy chốc cả 15 hộ dân của thôn Phú Nhiêu sống dọc bờ sông cũng không còn nhà, còn đất mà ở" – ông Cừ nói và không giấu được sự lo lắng, mệt mỏi bên trong.
Định bỏ 100 triệu đồng để... tự cứu lấy mình
Nằm ngay đầu điểm sạt lở, nhà ông Đỗ Tuấn Hùng (thôn Phú Nhiêu) là một trong những hộ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh thửa đất nhà mình, ông Hùng cho biết, trong 4 - 5 năm qua, sông Đà đã “nuốt” của nhà ông không ít đất và cây trồng. Hiện nay vị trí sạt lở chỉ cách đất nhà ông Hùng khoảng vài mét, chỗ gần nhất chỉ 2 - 3 mét. “Trước khi sông Đà thay đổi dòng chảy và tình trạng sạt lở xuất hiện, phía dưới khu đất nhà tôi là một bãi bồi dài hàng chục mét.
Ngay cạnh đó là nơi sinh sống của làng vạn chài. Chẳng ai có thể ngờ bãi bồi đó biến mất chỉ trong vài năm” – ông Hùng kể. Theo chân ông Hùng, chúng tôi đi xuống sát mép nước dưới sông để tận thấy sự tàn phá khủng khiếp của “thủy thần”. Từ phía lòng sông nhìn lên là một sự chênh lệch độ cao lên tới hàng chục mét. Nhiều dãy tre được người dân trồng để giữ đất đã bị kéo tụt xuống sát mép nước.
Ông Nguyễn Tuấn Hùng định bỏ 100 triệu đồng để tự kè khu đất bị sạt lở của gia đình ông. Ảnh: Quý Nguyễn
Chỉ cần một vài đợt “càn quét” nữa những rặng tre được coi là “phòng tuyến cuối cùng” để giữ đất của các hộ dân ven sông sẽ bị đánh sập. “Anh thấy không, trước đây bụi tre này nằm song song với nền sân nhà tôi, cao vượt quá mái nhà. Giờ thì cả bụi bị tụt hẳn xuống dưới sông, ngọn tre cũng chỉ cao hơn nền đất vườn nhà tôi chừng 1 - 2m. Nếu bụi tre này bị cuốn đi, sẽ chẳng giữ được đất nữa” – ông Hùng nói với giọng lo âu.
Theo ông Hùng, trước nguy cơ sạt lở nghiêm trọng có thể đe dọa đến tài sản gia đình, vừa qua ông đã tính đến phương án “tự mình cứu mình” khi thuê người về nghiên cứu để ép cọc bê tông giữ đất. Cuối cùng, ông vẫn không thể thực hiện được mục đích này.
“Họ đòi 100 triệu đồng chỉ để đóng vài chiếc cọc. Với nông dân như chúng tôi, đây là cả một tài sản. Tuy nhiên, vấn đề chính không phải chỉ là tiền” – ông Hùng nói và cho biết thêm, ông đã nghe sự góp ý của nhiều người trước khi quyết định không thuê người ép cọc nữa. Bởi sạt lở đang diễn ra là sạt lở cả hệ thống dài hàng vài trăm mét. Cho dù gia đình ông có đóng cọc giữ được đất nhà mình, thì một thời gian nữa, những hộ dân lân cận bị mất đất, phần đất nhà ông cũng chẳng thể giữ được.
“Giờ chúng tôi chỉ còn biết hi vọng vào Nhà nước thôi. Đã nhiều đoàn công tác của xã, huyện và TP về rồi, tôi cũng nghe nói là sắp tới chỗ sạt lở ở thôn Phú Nhiêu này sẽ được xử lý. Hi vọng ngày đó sẽ đến sớm và đến trước khi những bụi tre giữ đất cuối cùng của chúng tôi bị cuốn trôi” – ông Hùng tâm tư.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch xã Thái Hòa Phùng Đình Tuấn cho biết, tình trạng sạt lở bờ sông Đà, đoạn qua địa phận thôn Phú Nhiêu đã xuất hiện trong nhiều năm qua, nguyên nhân chính là do thay đổi dòng chảy.
“Tình trạng sạt lở này đã ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân, đe dọa tính mạng và tài sản của những hộ dân trực tiếp bị ảnh hưởng. Rất mong TP và các ban, ngành của Hà Nội quan tâm, xử lý kè để người dân ổn định cuộc sống. Nếu có được thì thực hiện các giải pháp cấp bách trước khi mùa mưa bão về là tốt nhất” – ông Tuấn nói.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu vừa ký quyết định công bố tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở tại bờ sông Đáy, sông Bùi (huyện Chương Mỹ và Quốc Oai), sông Đà (huyện Ba Vì), sông Cà Lồ (huyện Đông Anh). Trong đó, điểm sạt lở bờ sông Đà qua địa bàn xã Thái Hòa (huyện Ba Vì) dài khoảng 655m có nguy cơ ảnh hưởng đến 15 hộ dân sinh sống. Hiện, các vị trí sạt lở đang có xu hướng mở rộng và cách nhà dân 3 - 5m gây nguy hiểm cho các hộ dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần