Về một tiềm năng to lớn

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tuần này, chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành, xử lý ngay, giải quyết dứt điểm một số vấn đề bức xúc. Một trong những vấn đề được quan tâm qua chỉ đạo của Thủ tướng là không được để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt trong năm 2019.

Cũng về việc này, tại cuộc họp báo về Kỳ họp này chiều 3/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu lãnh đạo các cơ quan chức năng không để thiếu điện cho sản xuất, sinh hoạt. Thủ tướng sẽ truy trách nhiệm nếu các bên liên quan không thực hiện tốt. Theo đại diện Bộ Công Thương - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, 4 phương án cung ứng điện đã được đưa ra nhằm cấp đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt. Tuy nhiên, một số trường hợp hệ thống điện sẽ phải huy động 2 - 7 tỷ kWh từ các nguồn điện chạy dầu giá cao. Và nếu than trong nước không đủ cung cấp thì sẽ phải nhập từ nước ngoài.

Các động thái trên cho thấy một vấn đề đáng quan tâm: Giá điện sẽ tăng khi phải sản xuất bằng dầu hoặc nhập khẩu than từ nước ngoài. Sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm cung ứng than cho sản xuất điện, sự cố gắng của các DN cung ứng đã nói lên quyết tâm không để thiếu diện cho sản xuất, kinh doanh. Đó là điều rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, câu chuyện về bảo đảm đủ than cho sản xuất điện lại gợi ra một vấn đề khác cần suy nghĩ. Đó là quan điểm của cộng đồng quốc tế với việc sản xuất nhiệt điện từ than. Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24) đang diễn ra từ ngày 2 - 14/12 tại Katowice, Ba Lan, việc sử dụng các năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió… vẫn tiếp tục được xem là giải pháp quan trọng nhằm ngăn chặn, hạn chế nguồn khí phát thải. Bên cạnh đó là việc hạn chế, tiến tới nói không với việc sản xuất điện từ than. Thực tế đã cho thấy than là nguồn năng lượng rẻ nhưng gây ô nhiễm cao và đang được dùng làm nhiên liệu tại các nhà máy điện trên thế giới. Đây cũng là nguồn gây khí thải lớn nhất, góp phần làm tăng nhiệt độ, gây ra các đợt nắng nóng bất thường, hạn hán và nước biển dâng. Từ thực tế trên, nhiều quốc gia đã tuyên bố nói không với nhiệt điện than mà điển hình nhất là Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai của thế giới. Trung Quốc là nước bị ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trên thế giới. Năm 2015, nước này đã hủy bỏ 104 nhà máy điện than mới đang được xây dựng và phát triển tại 13 tỉnh… Nhiều nước khác cũng có những động thái tương tự. Đặc biệt, Nicaragoa, một nước đang phát triển cũng cam kết tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo từ 53% lên 90% vào năm 2020.

Cũng theo các chuyên gia, dù hiện tại nhiệt điện than vẫn chiếm trên 40% sản lượng điện của thế giới, nhưng trong vòng 10 năm tới sẽ giảm dần. Các nguồn năng lượng sạch như mặt trời và gió, sẽ rẻ và do đó phổ biến hơn.

Như vậy, có thể nói rằng hạn chế đến dần thay thế các nhà máy nhiệt điện chạy than bằng nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời là một xu hướng tất yếu trong tương lai không xa. Tại Việt Nam, chúng ta cũng đã nhận biết được những hệ lụy của việc sản xuất điện từ than. Và bước đầu đã thực hiện những dự án điện gió, năng lượng mặt trời. Cũng đã có những kiến nghị của các nhà chuyên môn cần xem xét, đánh giá lại một cách cẩn trọng Quy hoạch điện VII điều chỉnh theo nguyên tắc không đánh đổi môi trường và sức khỏe cộng đồng lấy dự án, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiệt điện than. Tuy nhiên, với lợi thế về kinh tế mà nó đem lại, trong tương lai, nhà máy nhiệt điện than vẫn tồn tại. Theo Bộ Công Thương, năm 2016 cả nước có 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất đặt máy 13.110 MW, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm, với lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15.700 triệu tấn/năm. Dự kiến tới năm 2020 có thêm 12 dự án nhiệt điện được đưa vào hoạt động và tổng công suất lắp đặt là 24.370 MW!

Trong khi đó, nếu xét về tiềm năng Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển nhiều hơn nữa năng lượng tái tạo mà cụ thể là điện mặt trời và điện gió, dần thay thế cho nhiệt điện than. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về đánh giá Năng lượng cho châu Á, tổng tiềm năng điện gió của Việt Nam ước đạt 513.360 MW tức là bằng hơn 200 lần công suất của thủy điện Sơn La, và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020. Việt Nam cũng nằm trong khu vực có cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao với số giờ nắng trung bình từ 1.600 – 2.600 giờ/năm, vào loại cao nhất thế giới, phân bố rộng rãi trên mọi vùng miền của đất nước. Như vậy, có thể nói, nghiên cứu đề ra chiến lược phát triển năng lượng tái tạo một cách bền vững là cần thiết và trong tầm tay. Tất nhiên, để đưa tiềm năng lý thuyết thành tiềm năng có thể khai thác, đến tiềm năng kỹ thuật và cuối cùng, thành tiềm năng kinh tế là cả một câu chuyện dài. Song điều đó không ngăn cản việc chúng ta xem xét một cách thấu đáo tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Xin nhắc lại câu nói của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cách đây chưa lâu: “Vấn đề môi trường quá cấp bách cần hành động ngay, bởi "mẹ thiên nhiên" đã nổi giận và không ai được phép chần chừ”.