Về nông thôn Hà Nội hôm nay, không ai phủ nhận những thay đổi lớn

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã nhấn mạnh như trên khi phát biểu tại Hội thảo liên kết 4 nhà về xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn Hà Nội, do Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy tổ chức sáng 29/9.

  Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại hội thảo.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, Hà Nội có diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp lớn với dân số làm nông nghiệp trên 4 triệu người, chiếm trên 60% lực lượng lao động toàn TP. Nông nghiệp, nông thôn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.
Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn; liên tục trong nhiều nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Đảng bộ TP xác định “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” là một trong những chương trình công tác trọng tâm của Thành ủy.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự tham gia ủng hộ của Nhân dân, xây dựng nông thôn mới thu được kết quả toàn diện, nổi bật. Đến cuối năm 2020, dự kiến có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 96,1%), hoàn thành trước hạn 2 năm mục tiêu đề ra, đứng đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới, với nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. 
“Về những làng quê, nông thôn Hà Nội hôm nay, không ai có thể phủ nhận sự thay đổi lớn trên tất cả các lĩnh vực. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân khu vực nông thôn Hà Nội được nâng lên rõ rệt, người dân vui mừng, phấn khởi vì những lợi ích thiết thực mà chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh.
 Một tuyến đường khang trang, sạch đẹp tại xã Liên Hà, huyện Đan Phượng.
Đại diện lãnh đạo TP cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được là chủ yếu, vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần khắc phục, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn. Đi kèm với sự phát triển nhanh của sản xuất làng nghề, việc ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp. Điều này đòi hỏi phải có giải pháp thiết thực, hiệu quả, sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân. Trong đó có vai trò quan trọng của 4 nhà: Nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông.
Nhận thức sâu sắc vấn đề bảo vệ môi trường có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững, Thành ủy Hà Nội đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 31/5/2017 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình số 02-CTr/TU, Thành ủy đã tổ chức hội thảo liên kết 4 nhà.
Hội thảo đã đánh giá thực trạng tình hình nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn; trưng bày, giới thiệu những thành tựu nghiên cứu khoa học và ứng dụng, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về ứng dụng công nghệ trong xử lý môi trường đã và đang được triển khai trên địa bàn Hà Nội. Bên cạnh đó, đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện đối với từng lĩnh vực đảm bảo hiệu quả; tập trung vào vấn đề môi trường, mang tính cấp thiết, quyết định quan trọng tới việc nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân và phát triển kinh tế nông thôn bền vững.