Về Thanh Oai tri ân Quốc Tổ Lạc Long Quân

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những ngày hành hương về đất Tổ 10/3, trước khi thắp hương tri ân công đức các vua Hùng, du khách sẽ thăm viếng đền Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân (thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng) và đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ). Thế nhưng, không phải ai cũng biết đền Nội (thôn Bình Đà, Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội) mới là ngôi đền gốc thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân.

 Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân. Ảnh: Hồ Hạ
Cụ Bùi Đăng Thịnh (Thủ Từ đền Nội) cho biết: Đền Nội gắn liền với truyền thuyết mẹ Âu Cơ sinh 100 trứng, nở ra 100 người con, 50 người theo mẹ lên núi, 50 người xuống biển cùng cha. Đất Bình Đà bây giờ, chính là nơi Lạc Long Quân lệnh cho các con dừng chân xây dựng cơ nghiệp. Khi Quốc Tổ về trời, ngài được các vua Hùng và dân làng an táng tại gò Tam Thai (Ba Gò) thuộc đất Bảo Đà (Bình Đà ngày nay). Để tri ân công đức của Quốc Tổ Lạc Long Quân, dân làng Bảo Đà lập ngôi đền Nội cùng bức Đại tự “Vi Bách Việt Tổ” (Tổ Dân Bách Việt).
Sử sách còn ghi, ngày 1 tháng 4 năm Nhâm Thân (1032), vua Lý Thái Tông mở Lễ hội Tịch điền ở vùng Đỗ Động Giang thuộc đất Bảo Đà, nhà vua đã Hiến sắc suy tôn Lạc Long Quân là “Khai Quốc Thần”: “Lý triều hiến sắc/ Thành tổ tiên vương/Nhất bảo bách noãn/ Sinh hạ bách thần/Hộ quốc cứu dân/Vạn xuân an lạc”. Suốt 6 thế kỷ, 18 vị vua của các triều đại đều đích thân về Bình Đà dâng lễ Quốc Tổ. Đã có 18 Hiến sắc, suy tôn Lạc Long Quân là “Khai Quốc Thần”. Các Hiến sắc này đều được lưu giữ tại Đền Nội – Bình Đà và Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đền Nội được Nhà nước và TP Hà Nội đầu tư tu bổ, tôn tạo khang trang, bề thế trong khuôn viên 10.000m2, mang đậm bản sắc phương Đông. Đền được xây dựng theo kiểu chữ Đinh, có tường gạch bao quanh, hậu cung đặt long ngai Lạc Long Quân. Trước tiền môn là sân ngoài kề bên ao sen rộng 500m2. Cửa đền nhìn ra hướng Tây, nơi tương truyền là khu đất táng mộ Lạc Long Quân.

Điều đáng quý trong đền còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị. Nổi bật là bức phù điêu trên 1000 năm tuổi, độc nhất vô nhị đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Bức phù điêu tạc hình Quốc Tổ Lạc Long Quân đội mũ bình thiên, mặc áo hoàng bào cùng các lạc hầu, lạc tướng của triều đình Lạc Việt dự hội đua thuyền trên dòng Đỗ Động Giang.
Tục truyền, khi Đinh Tiên Hoàng lên làm vua đã cho xây đền Thượng tại Phong Châu để thờ các vua Hùng với mỹ tự “Hùng Vương sơn nguyên Thánh Tổ”, người đã giao cho Hoàng hậu Đan Gia và Đinh Quốc công Nguyễn Bặc đặc trách, cùng với Bộ Lễ tuyển các thợ giỏi để chế tác bức phù điêu này. Cùng với đó, khu ao sen, cây quéo cổ thụ, giếng ngọc (có long mạch thông với thủy cung vươn xa về tận đất Thăng Long), nhà bia, miếu ông, trống đồng Đông Sơn Hê-gơ, gạch hoa văn xây mộ Quốc Tổ là các chứng tích cổ.

Ông Nguyễn Hữu Minh – Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Bình Minh cho biết, trước đây, lễ hội Quốc Tổ Lạc Long Quân ở Bình Đà diễn ra suốt 10 ngày từ 27/2 -6/3 âm lịch với rất nhiều hoạt động. Những năm gần đây, lễ hội rút xuống còn 3 ngày, từ 4 - 6/3 âm lịch, nhưng vẫn đầy đủ nghi thức truyền thống như: Tế lễ, dâng hương, đọc chúc văn, rước và thả bánh vía…
Lễ hội hàm chứa hàng loạt biểu tượng văn hóa, khởi nguồn truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014. Đặc biệt, từ xưa đến nay, vào dịp lễ hội, đều có đoàn thủ từ của đền Hùng – Phú Thọ về dâng hương Quốc Tổ Lạc Long Quân và xin rước chân nhang ở hương án Đề nhất của đền Nội về thờ với ý nghĩa cung kính đón Quốc Tổ về dự hội Đền Hùng vào ngày 10/3 âm lịch. Đền Nội lần lượt được công nhận là di tích lịch sử, nghệ thuật cấp Quốc gia và di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia các năm 1985, 1990.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần