VEC E không có quyền cấm xe lưu thông vào cao tốc

Hà Nam (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến vụ việc Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Đường cao tốc Việt Nam (VEC E) - đơn vị quản lý tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây vừa có văn bản từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 ô tô mang BKS 51A-558.50 và 51G-772.56, luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm tư vấn pháp luật TP Hồ Chí Minh - Trung ương Hội luật gia Việt Nam) đã có những nhận định qua trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị.

 
Theo thông tin từ VEC E, vào chiều tối 10/2/2019, xe mang BKS 51A-558.0 di chuyển vào làn thu phí số 07, hướng từ Long Thành về TP Hồ Chí Minh, khi đến cabin thu phí, đã cố tình dừng tại làn thu phí, đồng thời để nhiều người già, phụ nữ và trẻ em xuống xe, cố tình gây rối tại làn thu phí và lôi kéo các phương tiện ở các làn khác gây ách tách giao thông. Một trường hợp khác là xe BKS số 51G-772.56 cũng có hành vi tương tự tại làn 8. Luật sư có ý kiến như thế nào về những hành vi này?
Luật sư Trần Đình Dũng: Qua nắm bắt thông tin trên báo chí, tôi cho rằng, hành vi cản trở, gây ách tắc giao thông là vi phạm pháp luật, cần phải xử lý nghiêm đúng theo quy định của luật giao thông đường bộ, chứ không phải quy định riêng của bất kỳ tuyến đường nào. Ngoài các chế tài luật định ra, các đơn vị chủ đầu tư và các đơn vị quản lý đường bộ không được phép đặt ra bất kỳ quy định nào khác.
Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Đường cao tốc Việt Nam (VEC E) là một tổ chức kinh tế, hoạt động kinh doanh. Hiện không có quy định pháp luật nào cho phép một công ty cấm phương tiện giao thông đường bộ cụ thể lưu thông trên đường bộ. Việc VEC E cấm 2 xe lưu thông tương tự như ban hành cho 2 xe này một mức kỷ luật do người điều khiển phương tiện có hành vi theo VEC E là vi phạm qui định.
Lĩnh vực quản lý khai thác các tuyến đường cao tốc được Chính phủ điều chỉnh bằng nghị định số 32/2014/NĐ-CP ngày 22/4/2014 và Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn áp dụng một số nội dung của nghị định bằng Thông tư số 90/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014. Trong 2 văn bản luật này, không có bất kỳ điều khoản nào cho phép đơn vị quản lý hay chủ đầu tư tuyến cao tốc được phép xử lý nghiêm cấm lưu thông phương tiện giao thông vi phạm. Ngoài ra, cũng không có bất kỳ quy định pháp luật nào khác cho phép các tổ chức này được thực hiện chế tài đối với xe ô tô. Tôi cho rằng, VEC E cấm xe lưu thông trên các tuyến cao tốc do VEC E quản lý khai thác là hoàn toàn không đúng qui định pháp luật.
Có ý kiến cho rằng, đơn vị bỏ vốn ra đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc nên họ có toàn quyền đối với việc cho ai hay không cho ai sử dụng tuyến đường của họ?
Luật sư Trần Đình Dũng: Tôi tin rằng đây chính là cách suy nghĩ của những người điều hành VEC E, khi họ thông báo không cho 2 xe chạy trên cao tốc do họ quản lý khai thác thu phí. Ở đây không phải đơn thuần như một khách sạn chúng ta xây lên, khai thác kinh doanh và có quyền từ chối khách hàng vào thuê. Đối với một khách sạn thì chủ sở hữu hay bộ phận quản lý hoàn toàn có quyền không cho ông A, bà B… đến thuê. Nhưng với một tuyến đường thì hoàn toàn khác.
Chủ đầu tư khi đầu tư xây dựng một tuyến đường để khai thác kinh doanh hoặc mang ý nghĩa phúc lợi xã hội, đều không phải là đơn vị sở hữu tuyến đường như sở hữu các tài sản là công trình xây dựng như tòa nhà cao ốc, khách sạn… Đối với việc xây đường cao tốc, chủ đầu tư phải tuân theo pháp luật về giao đông đường bộ và nghị định về đầu tư đối tác công tư. Sau khi xây dựng đường xong, đơn vị chỉ được quyền khai thác thu phí xe cộ lưu thông qua đường và thực hiện các nghĩa vụ duy tu sửa chữa hư hỏng đường.
Sau một thời gian hạn định được thu phí (đối với tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây được phép thu phí đến hết năm 2034) thì nó là tuyến đường của công cộng tự do đi lại như bao tuyến đường khác. Bản chất sở hữu của các tuyến đường thuộc về nhà nước, các công ty đầu tư (dù là công ty nhà nước) chỉ là đơn vị bỏ vốn ra và nhận lại quyền thu phí xe chạy qua mà thôi.
Phạm vi đầu tư đường và khai thác thu phí được điều chỉnh theo các nghị định đối tác công tư (Nghị định số 108/2009/NĐ-CP, số 24/2011/NĐ-CP, số 15/2015/NĐ-CP, số 63/2018/NĐ-CP). Theo đó, công ty chủ đầu tư (hay công ty được chuyển giao) chỉ có quyền thu phí phương tiện giao thông chạy qua tuyến đường, không có bất kỳ quyền gì khác ngoài quyền này. Các quyền xử lý vi phạm pháp luật đối với phương tiện giao thông đường bộ thuộc về Cảnh sát giao thông.
Hành vi của người điều khiển xe tại trạm thu phí nếu vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử tùy vào mức độ, nhẹ có thể bị phạt vi phạm hành chính, nghiêm trọng có thể bị truy tố hình sự bởi các tội danh như cản trở giao thông đường bộ, gây rối trật tự công cộng… (tùy vào hành vi).
Tôi khẳng định rằng, công ty quản lý đường cao tốc không có quyền hạn cấm xe mang biển số này xe mang biển số kia lưu thông vào đường cao tốc.
Cảm ơn luật sư!