Mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung từ góc nhìn lịch sử

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều lý thuyết giải thích tại sao các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung sụp đổ, từ sự tự tin sai lầm của Bắc Kinh đến tính toán của Tổng thống Trump cho cơ hội tái đắc cử năm 2020. Nhưng nếu xem xét lịch sử sâu xa của tập quán thương mại Trung Quốc, mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng

Chủ tịch Tập Cận Bình và quan chức cấp cao Trung Quốc trên bàn đàm phán với phái đoàn của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 12/2018.

Nhà Thanh nổi giận

Mục tiêu biến Trung Quốc thành một khu miền Tây phương Tây đã trở thành trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Bắc Kinh kể từ khi Tổng thống Richard Nixon tổ chức cuộc gặp năm 1972 với Chủ tịch Mao Trạch Đông. Tuy nhiên nhìn xa hơn nữa, vào thế kỷ XVIII, các cường quốc châu Âu, vì thất vọng với các hoạt động thương mại của Trung Quốc, cũng đã muốn nhà Thanh áp dụng các nguyên tắc kinh tế của mình.

Thời điểm đó, Trung Quốc đã rất hào hứng khi trao đổi đồ sứ và trà lấy bạc, tuy nhiên chính quyền kiểm soát chặt chẽ các trao đổi như vậy. Điều đó dường như không công bằng cho các thương nhân muốn giao dịch tự do. Năm 1793, người Anh đã cử một đoàn sứ giả do nhà ngoại giao Lord Macartney dẫn đầu tới Bắc Kinh để đề xuất mở cửa thị trường và nhiều cải cách khác.

Những tiêu chuẩn giao thương được trình bày bởi Bá tước Macartney sau đó đã khiến Hoàng đế nhà Thanh cùng các quan thần nổi giận, gửi một lá thư từ chối thẳng thừng tới Vua George III của Anh có viết: "Làm thế nào triều đại của chúng tôi có thể thay đổi toàn bộ thủ tục và hệ thống nghi thức, được thành lập trong hơn một thế kỷ, để đáp ứng quan điểm cá nhân của Ngài?"

Nhà Thanh rõ ràng không bao giờ sẵn sàng chấp nhận các hoạt động ngoại giao và thương mại kiểu phương Tây, để rồi sau đó phải chịu sự bắn phá - theo đúng nghĩa đen - bởi những phát đại bác trong cuộc Chiến tranh Nha phiến vào giữa thế kỷ XIX. Chỉ sau sự kiện này, Trung Quốc mới mở rộng hơn trong giao thương hàng hóa và văn hóa với nước ngoài, cũng như bắt đầu chấp nhận quan hệ nhà nước theo kiểu châu Âu.

Hơn cả tự tôn dân tộc

Bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX, các trí thức, nhà cải cách và cách mạng Trung Quốc chủ trương quốc gia nên noi theo các nước như Anh và Mỹ. Khi nhà Thanh thống nhất, những nhà tư tưởng này hài lòng với các thể chế và thực tiễn được sao chép từ phương Tây, bao gồm cả hiến pháp, cách thức tạo lập bộ máy chính quyền ở một số cấp. Tuy nhiên, tranh luận đã nổ ra về việc Trung Quốc phải trở nên như thế nào, khi một số người lập luận rằng chỉ cần mua súng và học công nghệ mới của phương Tây là đủ, trong khi phải giữ nguyên tổ chức cốt lõi của Trung Quốc. Những người vốn đánh giá truyền thống của Trung Quốc là lỗi thời và lạc hậu thì nhấn mạnh việc cần áp dụng quy tắc buôn bán nước ngoài.

Và giờ đây, trùng hợp hơn khi các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung có dấu hiệu sụp đổ vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm Phong trào Ngũ Tứ - được đặt theo tên các cuộc biểu tình của sinh viên và giới trí thức Trung Quốc năm 1919 nhằm chống lại Chính phủ Trung Hoa Dân quốc lúc bấy giờ trong vấn đề bảo vệ chủ quyền và văn hóa quốc gia sau Hiệp ước Versailles.

Vấn đề này còn được Bắc Kinh đẩy mạnh hơn vào những năm 1980, theo cải cách thị trường của Trung Quốc, khi nước này hợp pháp hóa các DN tự do, được kêu gọi đầu tư ở nước ngoài và bắt đầu gia nhập các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới. Cố Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang thời điểm đó thậm chí còn cho rằng người Trung Quốc nên ăn bằng dao và dĩa thay vì dùng đũa.

Tuy nhiên, sự cảnh giác của phương Tây không hề suy giảm, đặc biệt khi sức mạnh kinh tế của Trung Quốc ngày một tăng lên. Trên sân khấu toàn cầu, Chủ tịch Trung Quốc đương nhiệm Tập Cận Bình đã đẩy các lựa chọn thay thế của Trung Quốc vào hệ thống của phương Tây, chẳng hạn sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường. Tại quê nhà, ông Tập đã nhấn mạnh vai trò lớn hơn của nhà nước đối với tự do hóa thương mại, đồng thời thúc đẩy văn hóa và triết học truyền thống của Trung Quốc để tránh các tư tưởng ngoại lai lệch lạc.

Đối phó thay vì biến đổi?

Thái độ yêu - ghét này đang diễn ra ngay trên bàn đàm phán thương mại. Một mặt, Bắc Kinh nhận ra rằng họ được hưởng lợi từ việc trở thành một phần của trật tự toàn cầu do Mỹ đứng đầu hiện nay, nhưng mặt khác, Bắc Kinh không sẵn sàng chấp nhận trật tự đó hay các quy tắc của nó.

Chính quyền Trump ngày hôm nay đang phải đối mặt với những thất vọng giống như các thương nhân người Anh thế kỷ XVIII. Thông qua các thuế quan và mối đe dọa của mình, Washington đang chuyển tải một thông điệp khá rõ ràng với Trung Quốc: Nếu bạn không tự mình tuân theo các quy tắc của chúng tôi, chúng tôi sẽ phải ép buộc bạn.

Theo Bloomberg, Mỹ cần phải học cách đối phó với một Trung Quốc vốn có, thay vì một Trung Quốc mà họ mong đợi trở thành.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần