Vị bác sĩ của cộng đồng

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 20 năm gắn bó với công tác Đoàn, bác sĩ trẻ Nguyễn Vũ (sinh năm 1981) - Phó trưởng khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội, luôn coi hoạt động Đoàn là đam mê, còn hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng là chính bản thân.

Hình ảnh lưu lại từ những chuyến đi tình nguyện ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa cứ thôi thúc anh quay trở lại nhiều lần nữa để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Bác sĩ Nguyễn Vũ trong một chuyến từ thiện.
Tâm sự với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Vũ chia sẻ, anh bén duyên với chuyên ngành phẫu thuật thần kinh chính từ những đêm trực BV khi còn là sinh viên. Những ngày tháng trực BV, tận mắt chứng kiến cơn đau hành hạ những cơ thể gầy guộc, yếu ớt, thậm chí có nhiều người đã chết trước khi có cơ hội phẫu thuật, anh tự nhủ phải làm gì đó để bệnh nhân của mình bớt đau đớn. Càng đi sâu nghiên cứu và chữa bệnh, anh cảm thấy có sức hút lạ kỳ của nghề, khiến anh không thể không dấn thân. Cũng trong thời gian đó, anh nhận thấy hoạt động đoàn giúp sinh viên có môi trường để rèn luyện, giúp nhau học tập tốt hơn, năng động hơn. "Với đặc thù nghề nghiệp căng thẳng, khi tham gia các hoạt động đoàn, tôi thấy mình tươi trẻ hơn, học được cách giao tiếp với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để họ không lo lắng về bệnh tật” - anh Vũ chia sẻ.

Tuy hiện nay giữ nhiều cương vị, nhưng anh Vũ vẫn thường xuyên đến với người dân vùng xa, coi đó là trải nghiệm giúp bản thân có cơ hội chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tư vấn nâng cao kiến thức phòng chống bệnh tật. “Thay vì được đi du lịch cùng gia đình, tôi trèo đèo lội suối về với người dân. Qua những chuyến đi đó tôi được nhiều, bởi giúp tôi có bức tranh toàn cảnh để về truyền thụ cho sinh viên của mình, cũng như phục vụ công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân” - bác sĩ Vũ thành thật. Mỗi năm, Đại học Y Hà Nội tổ chức hơn 10 đợt khám chữa bệnh cho khoảng 6.000 người có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2016, Đoàn trường phối hợp với tổ chức dạy các em lang thang, cơ nhỡ trên địa bàn Hà Nội về cách sơ cấp cứu. Khi các em gặp người bị nạn, hay bản thân có vấn đề gì, kiến thức đó sẽ giúp các em sơ cấp cứu ban đầu được tốt. Từ năm 2017 đến nay, anh Vũ đã tham gia và tổ chức 10 chương trình khám chữa bệnh thiện nguyện, vì sức khỏe cộng đồng, tham gia hỗ trợ đồng bào lũ lụt…

Chia sẻ về y đức trong quan niệm của bác sĩ trẻ, bác sĩ Vũ cho rằng, y đức không chỉ thể hiện ở thái độ của bác sĩ với người bệnh, mà còn là việc đảm bảo chuyên môn, hạn chế tối đa rủi ro bệnh tật, chi phí không cần thiết mà bệnh nhân vẫn khỏi bệnh. Đó còn là môi trường BV thân thiện, hạn chế các thủ tục rườm rà để người bệnh tiếp cận việc khám chữa bệnh nhanh nhất, gần nhất... “Tuy có những lúc vui buồn, áp lực công việc đè nặng, nhưng các bác sĩ như tôi sẽ sống chết với nghề, hàng ngày vẫn đam mê với công việc. Có những khi đứng bên bàn mổ 12 tiếng, nhưng chính sự ghi nhận, hài lòng của người bệnh là động lực thúc đẩy tôi nỗ lực hơn vì người bệnh” - anh Vũ tâm sự. Mong muốn duy nhất của một phẫu thuật viên là được về nhà ngủ một giấc trọn vẹn, nên anh rất sợ những cuộc điện thoại lúc nửa đêm. Thế nhưng chỉ cần một cú điện thoại của BV thì với anh, tất cả mọi thứ đều để lại phía sau…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần