Vì đâu người gốc Á sục sôi biểu tình ở Mỹ?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng nghìn người Mỹ đã tuần hành hôm 21/3 trên khắp quốc gia để phản đối chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chống lại người châu Á, đặc biệt là sau vụ xả súng hàng loạt hồi tuần trước tại các spa do người châu Á làm chủ ở bang Georgia.

Biểu tình phản đối kỳ thị người châu Á sục sôi trên các đường phố của Mỹ, trong khi mạng xã hội toàn cầu nóng lên chiến dịch kêu gọi #stopasianhate. Ảnh: AFP.
Các cuộc biểu tình ôn hòa đã diễn ra ở nhiều TP lớn tại Mỹ, bao gồm ở New York, Washington và Atlanta - nơi xảy ra vụ xả súng ngày 16/3 khiến ít nhất 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 nạn nhân là phụ nữ châu Á.
Xin Hua, một phụ nữ Mỹ gốc Á tham gia cuộc biểu tình hôm 21/3 tại Atlanta, nói với AFP rằng cô "thực sự tức giận" vì cảnh sát TP vẫn chưa lên tiếng xác nhận vụ xả súng có động cơ chủng tộc.
Nghi phạm, một người thanh niên da trắng đã bị bắt ngay sau khi các vụ nổ súng diễn ra tại 3 tiệm massage châu Á ở Atlanta và các vùng ngoại ô TP. Mặc dù thừa nhận tội ác giết người, tay súng này phủ nhận mục tiêu hành động là do sự thù hận chủng tộc, thay vào đó là vì thói "nghiện tình dục" và "bị cám dỗ".
"Tôi không phải là sự cám dỗ" - biểu ngữ đã được Kat, một phụ nữ Mỹ gốc Á giơ cao khi tham gia biểu tình hôm 21/3 ở Washington. Cô gái 31 tuổi lên tiếng phản đối việc kỳ thị và vấn nạn lạm dụng tình dục đối với phụ nữ châu Á, chia sẻ với AFP: "Tôi từng bị nhiều người đàn ông tiếp cận trên các ứng dụng hẹn hò và nói rằng tôi "cần chữa khỏi bệnh sốt vàng da"".
Tại New York, ứng cử viên thị trưởng Andrew Yang, từng là ứng viên Tổng thống tiềm năng của đảng Dân chủ năm 2020, đã đặt câu hỏi cho những người biểu tình và đề nghị họ giơ tay nếu cảm thấy các tình huống phân biệt chủng tộc đối với người châu Á đã gia tăng đột biến kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Theo AFP, vị chính trị gia này nằm trong số không ít người tin rằng các tuyên bố về "virus Trung Quốc" của cựu Tổng thống Donald Trump đã góp phần vào chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Mỹ.

"Chúng tôi phản đối sự kỳ thị người châu Á đang gia tăng trong những năm qua, được thúc đẩy bởi một Tổng thống da trắng ở Mỹ khăng khăng phát ngôn "virus Trung Quốc", đã khuyến khích sự thù hận và làn sóng tấn công vào tất cả các nhóm thiểu số bị áp bức", May Chiu, một thành viên của nhóm Người Trung Quốc Tiến bộ tại Quebec, nằm trong số hàng trăm người cũng đã tuần hành vì mục đích tương tự ở Canada hôm 21/3, nói.