Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh: Cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm ATTP

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 'Chính quyền các cấp cần xử lý nghiêm các đối tượng đang tuồn thực phẩm bẩn vào các trường học, bệnh viện, chợ, siêu thị... Cùng đó, chúng ta cần tiếp tục có những quy chuẩn khác chặt chẽ hơn về an toàn thực phẩm' - luật sư Nguyễn Hữu Toại đề nghị.

Hàng nghìn trẻ được cha mẹ đưa từ Bắc Ninh về Hà Nội xét nghiệm sán dây lợn. Ảnh: Ngọc Tú
Cách đây 1 tháng, một số phụ huynh đăng video lên mạng ghi lại món thịt lợn có dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn tại trường Mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Ngay sau đó, tập thể phụ huynh lên gặp Ban Giám hiệu nhà trường phản ánh, nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Đến trưa 5/3, phụ huynh bất ngờ vào kiểm tra bếp ăn của trường, phát hiện thịt gà nấu cho học sinh là thịt đông lạnh, đã bốc mùi hôi thối. Sự việc diễn ra khi nghi án đồ ăn của trường có sán còn chưa được giải quyết. Cơ quan công an đã lập biên bản sự việc, niêm phong toàn bộ số thực phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm.
Được biết, đơn vị cung cấp thực phẩm cho 19 xã (21 trường học) trên địa bàn huyện Thuận Thành là Công ty Hương Thành.
Lo lắng cho con trẻ, trong những ngày qua, hàng nghìn gia đình đã đưa con từ Bắc Ninh đổ xô về các bệnh viện ở Hà Nội để xét nghiệm sán dây lợn và phát hiện nhiều trường hợp dương tính với sán lợn.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Hữu Toại (Công ty Luật Hừng Đông, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, hiện nay, các biện pháp thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm bao gồm: Biện pháp hành chính, biện pháp dân sự và biện pháp hình sự. Trong đó, biện pháp hình sự (truy cứu trách nhiệm hình sự) đối với các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đến mức cấu thành tội phạm. Trên thực tế, biện pháp hình sự hiếm khi được áp dụng, nhưng đây vẫn là công cụ thực thi mạnh do hình phạt nghiêm khắc.
“Theo quy định của pháp luật, khung hình phạt cao nhất đối với các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm là 20 năm tù. Tuy nhiên, xét về hành vi này có nguy cơ gây nguy hiểm cho rất nhiều người, một hình thức hủy hoại giống nòi, làm nạn nhân mang thương tật cả đời thì khung hình phạt này còn quá nhẹ. Vì vậy, tôi cho rằng, cần tăng hình phạt chung thân, tử hình đối với tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” - luật sư Toại chia sẻ.
Theo luật sư Nguyễn Hữu Toại, pháp luật an toàn thực phẩm trên thế giới được xây dựng trên cơ sở những nghiên cứu khoa học chuyên sâu về thực phẩm, dinh dưỡng, rủi ro... để đặt ra các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm rất cao và nghiêm ngặt. Xu thế hội nhập quốc tế và yêu cầu thiết yếu của cuộc sống tại Việt Nam đòi hỏi phải đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trong vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm xảy ra tại Bắc Ninh, cơ quan chức năng đang điều tra và chưa có kết luận cụ thể. Căn cứ vào mức độ vi phạm trong sự việc trên, người vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
“Vì sự phát triển bình thường của con trẻ, chính quyền các cấp cần xử lý nghiêm các đối tượng đang tuồn thực phẩm bẩn vào các trường học, bệnh viện, chợ, siêu thị... Cùng đó, chúng ta cần tiếp tục có những quy chuẩn khác chặt chẽ hơn về an toàn thực phẩm” - luật sư Toại đưa ra đề nghị.