Vi phạm an toàn thực phẩm: Phạt nặng mới đủ sức răn đe

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2019”, các địa phương đã đồng loạt ra quân thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định Nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP). Tuy nhiên, việc xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này vẫn chưa thực sự quyết liệt.

 Đoàn liên ngành TP Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cơ sở cung cấp sản phẩm gia cầm tại thị xã Sơn Tây. Ảnh: Lâm Nguyễn
Chủ yếu vẫn là nhắc nhở

Là cơ sở bánh kẹo truyền thống có tiếng tại xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, tuy nhiên, cơ sở Hiền Bao lại chưa đáp ứng các điều kiện sản xuất, kinh doanh. Không gian chế biến nhỏ hẹp, chưa bảo đảm theo nguyên tắc một chiều. Việc sản xuất không có quy trình, vẫn sử dụng bếp than gây ô nhiễm; đội ngũ nhân công không đeo găng tay trong quá trình làm bánh kẹo… Dù vậy, qua công tác thanh tra, kiểm tra, UBND thị xã Sơn Tây chỉ… nhắc nhở và đề nghị cơ sở Hiền Bao tự khắc phục hạn chế.

Đây chỉ là một trong số hàng chục cơ sở được xác định có vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh ATTP tại thị xã Sơn Tây trong “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm”. Thống kê của Phòng Y tế thị xã Sơn Tây cho thấy, trong số 9 đơn vị ra quân xử lý vi phạm, chỉ có 3 xã, phường (Lê Lợi, Phú Thịnh, Cổ Đông) tiến hành xử phạt; 6 địa phương khác chủ yếu vẫn là nhắc nhở, cho tự khắc phục. Đối với 168 cơ sở được giám sát, các lực lượng chức năng thị xã Sơn Tây xác định có 25 trường hợp có vi phạm quy định về ATTP, tuy nhiên, chỉ xử phạt 10 cơ sở với tổng số tiền 14,2 triệu đồng, còn lại tới 15 cơ sở chỉ bị nhắc nhở.

Tương tự tại quận Tây Hồ, trong số 61 cơ sở được đoàn liên ngành ATTP của quận thanh tra, kiểm tra, có 13 cơ sở được xác định có vi phạm. Tuy nhiên, chỉ 6/13 cơ sở bị xử phạt hành chính, với tổng số tiền 39 triệu đồng. Hơn một nửa số cơ sở còn lại có vi phạm chỉ bị nhắc nhở, cho phép tự khắc phục các điều kiện sản xuất, kinh doanh.

Tăng cường xử lý vi phạm

Thực tế cho thấy, xử phạt vi phạm hành chính là một trong những giải pháp rất quan trọng, không chỉ nhằm bảo đảm việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, mà còn tạo sức răn đe đối với các cơ sở. Tuy nhiên, công tác này tại nhiều địa phương vẫn chưa thực sự quyết liệt.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho biết, Nghị định số 115/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định rất rõ việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP. Trong đó, không có chuyện “nhắc nhở” đối với các vi phạm, mà cần có chế tài xử phạt cụ thể tùy theo mức độ. Chính vì vậy, các địa phương cần mạnh tay hơn trong việc xử lý các vi phạm. Cũng theo ông Loát, bên cạnh tăng cường xử phạt, các địa phương cần tạm đình chỉ, cho ngừng hoạt động các cơ sở vi phạm nghiêm trọng, tái phạm nhiều lần.

Ghi nhận quá trình triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2019” tại một số quận, huyện, thị xã cho thấy, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đây vẫn là lĩnh vực rất nhạy cảm, cần sự quan tâm, đôn đốc thường xuyên. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, lực lượng chức năng các địa phương cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về trách nhiệm đối với cộng đồng. Bởi thực tế, nếu không có cơ quan quản lý Nhà nước thì người tiêu dùng sẽ khó có thể biết được thực phẩm có an toàn để sử dụng hay không.

Ông Tường cũng cho rằng, quá trình kiểm tra, giám sát về ATTP cần có những thay đổi theo hướng đa dạng, sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực. Cùng với tiếp tục tăng cường xử phạt hành chính các trường hợp có vi phạm, thay vì chỉ nhắc nhở, các địa phương cần khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ để các cơ sở xây dựng định hướng phát triển phù hợp với xu thế thị trường đang đòi hỏi ngày một cao hơn về chất lượng nông sản thực phẩm hiện nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần