Vì sao bão số 5 rất đáng lo ngại?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (30/10), bão số 5 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 – 20km. Dự kiến chiều tối nay, bão sẽ đổ bộ đất liền các tỉnh, TP từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Đánh giá cho thấy, bão số 5 có nguy cơ ảnh hưởng và gây thiệt hại lớn đến đời sống, sản xuất của người dân.

Tại cuộc họp ứng phó với bão số 5 ngày 30/10, đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão hiện có 93.263 ô lồng nuôi trồng thủy sản; tập trung chủ yếu tại Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Bên cạnh nuôi trồng thủy sản, hàng chục ngàn héc-ta lúa vẫn chưa thu hoạch trong vùng ảnh hưởng của bão. Cụ thể, các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, diện tích lúa chưa thu hoạch là 64.688ha. Trong khi tại các tỉnh vùng Tây Nguyên, cũng còn tới 28.000ha diện tích lúa chưa thu hoạch.
Mưa lớn trong những ngày qua khiến mực nước nhiều hồ chứa thủy lợi lên cao. Đặc biệt đáng lo ngại khi vùng ảnh hưởng bão số 5, hiện có hàng trăm hồ hư hỏng, đang sửa chữa, nâng cấp. Cụ thể, khu vực Bắc Trung Bộ có 53 hồ chứa đang hư hỏng và  20 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp; Khu vực Nam Trung Bộ còn 24 hồ chứa đang hư hỏng và 34 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp; Khu vực Tây Nguyên còn 41 hồ chứa đang hư hỏng và 18 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp.
 Lồng bè nuôi trồng thủy sản tại khu vực Nam Trung Bộ. Ảnh minh họa.
Trong khi các hồ chứa thủy lợi đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng lớn thì báo cáo nhanh của các địa phương chỉ ra, an toàn đê kè cũng hết sức đáng lo ngại. Hiện, có 8 vị trí đê, kè biển xung yếu cần quan tâm (Quảng Nam: 1, Bình Định: 2, Khánh Hòa: 3, Ninh Thuận: 2). Có 2 tuyến kè biển đang thi công (Đà Nẵng: 1; Quảng Ngãi: 1). Trong khi đó, khu vực bờ biển từ Nghệ An đến Bình Thuận đang có diễn biến sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Đức Quang cho rằng, đáng lo ngại nhất là khu vực bão số 5 dự kiến đổ bộ có dân cư đông đúc, kinh tế phát triển nhiều đô thị lớn và khu du lịch, nghỉ dưỡng, dọc dải ven biển và trên các đảo có khách du lịch trong nước và quốc tế. Kinh nghiệm ứng phó với bão của người dân vẫn còn hạn chế (đã bị thiệt hại rất nặng nề về người, thuỷ sản do bão Damrey số 12/2017 và sạt lở đất, lũ quét do mưa lũ sau bão số 8 năm 2018).
Thực tế, tại khu vực đã từng xảy ra các đợt thiên tai tương tự cùng thời điểm trong 3 năm kiên tiếp gần đây. Đơn cử như, năm 2016: Đợt mưa lớn tại Quảng Bình, Hà Tĩnh đạt 1.000mm/đợt; Quảng Ngãi đạt 916mm/đợt. Năm 2017: Bão Damrey xảy ra cùng thời điểm gây thiệt hại nặng nề; mưa lớn tại Quảng Nam, tổng lượng đạt 1.145mm/6 ngày. Năm 2018: Tại Khánh Hòa, mưa 01 ngày đạt hơn 400mm; tại Hà Tĩnh đạt 937mm/đợt, Quảng Bình trên 1.000mm/đợt. Chính vì vậy, các địa phương cần tập trung cao độ, chủ động triển khai các giải pháp ứng phó, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão số 5 có thể gây ra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần