Vì sao bão số 6 có nguy cơ gây thiệt hại rất lớn?

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia, tối 10/11, bão số 6 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Cơn bão được cho là có khả năng sẽ gây thiệt hại lớn cho các địa phương Trung Bộ và Tây Nguyên.

Lý giải về điều này, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn cho biết, khu vực bão số 6 dự kiến đổ bộ có dân cư đông đúc, kinh tế phát triển với nhiều đô thị lớn và khu du lịch, nghỉ dưỡng. Dọc dải ven biển và trên các đảo có khách du lịch trong nước và quốc tế.
Đường đi của bão số 6 đầu giờ chiều nay (8/11)
Cùng với đó, kinh nghiệm ứng phó với bão của người dân còn hạn chế (đã bị thiệt hại rất nặng nề về người, thủy sản do bão Damrey số 12/2017, sạt lở đất, lũ quét do mưa lũ sau bão số 8/2018, sự cố đứt dây neo tàu thuyền tại cảng Quy nhơn, Bình Định trong bão số 5/2019).
Tổng hợp của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, hiện đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 47.330 tàu/243.063 người biết hướng di chuyển của bão để chủ động trú tránh. Tuy nhiên, có 112 tàu/2.818 lao động (giảm 44 tàu) đang hoạt động, neo đậu tại khu vực nguy hiểm.
Cụ thể, 108 tàu neo đậu tại các đảo thuộc khu vực quần đảo Trường Sa: (Quảng Nam 11 tàu/497 lao động, Bình Định 4 tàu/21 lao động, Quảng Ngãi 97 tàu/2.300 lao động). 3 tàu Bình Định đang di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm; 1 tàu Bình Định (số hiệu BĐ 97801) đang neo dù tại vị trí 11,450 VB; 113,060 Kinh Đông.
Cùng với tình hình tàu thuyền, bão số 6 cũng có khả năng gây thiệt hại về đê điều, thủy lợi lớn. Sở dĩ vậy là bởi tại khu vực Nam Trung Bộ hiện có 59 hồ hư hỏng và đang sửa chữa cần lưu ý (Quảng Nam 7, Quảng Ngãi 19, Bình Định 20, Phú Yên 3, Ninh Thuận 3, Bình Thuận 7). Trong khi đó, tại khu vực Tây Nguyên hiện cũng có 64 hồ hư hỏng và đang sửa chữa cần lưu ý (Kom Tun 7, Gia Lai 10, Đắk Lắk 10; Đắk Nông 23; Lâm Đồng 14).
Đê, kè biển có một số vị trí xung yếu, công trình đang thi công và đã bị tổn thương do bão số 5. Cụ thể, đê kè biển xung yếu: 11 vị trí (Quảng Nam: 2, Quảng Ngãi: 2, Bình Định: 2, Khánh Hòa: 3, Ninh Thuận: 2). Công trình đang thi công gồm 2 tuyến kè biển (Quảng Ngãi: 1, Ninh Thuận: 1). Nguy cơ tiềm ẩn các vị trí có thể bị hư hại nặng nề hơn khi bão số 6 đổ bộ.
Để chủ động ứng phó bão số 6, Bộ Ngoại giao đã có công hàm đề nghị một số nước, vùng lãnh thổ tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền Việt Nam được trú, tránh và hỗ trợ cứu nạn khi có yêu cầu. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thông báo và kiểm đếm tàu thuyền hoạt động trên biển; bắn pháo hiệu tại 18 điểm từ  Đà Nẵng đến Bình Thuận.
Các bộ: Quốc Phòng, Giao thông vận tải, Công Thương, Bộ NN&PTNT đã ban hành công điện và chỉ đạo ứng phó với bão số 6; đã huy động hơn 250.000 cán bộ chiến sỹ, 2.300 phương tiện trực sẵn sàng ứng phó.
Trước diễn biến bão số 6, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, TP tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão triển khai các biện pháp ứng phó. Thông báo, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền tránh bão.
Căn cứ tình hình thực tế ban hành lệnh cấm biển và cho học sinh nghỉ học. Chủ động di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn (lưu ý các khách du lịch và người dân trên lồng bè chòi canh và trên các đảo); Tổ chức cắm biển cảnh báo, tuần tra, canh gác tại các ngầm tràn, các tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt. Sẵn sàng các phương án cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần