Vì sao cầu vượt bộ hành kém hấp dẫn?

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để cải thiện tình trạng UTGT, tạo thói quen qua đường an toàn cho người dân, thời gian qua, TP Hà Nội đã xây lắp hàng chục cầu vượt bộ hành.

Nhưng, một số cầu được đặt tại vị trí không phù hợp, thiết kế chưa hợp lý, VSMT không đảm bảo nên chưa thu hút được người sử dụng.

Hàng rong, quán cóc vây chân cầu

Có thể nói, nhiều cây cầu vượt bộ hành được xây dựng đúng địa điểm đã tạo được sự đồng tình của rất nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, do công tác quản lý chưa sát sao nên hiện trạng tại một số cây cầu còn gây tâm lý e ngại cho người đi. Điển hình là cầu vượt bộ hành trên đường Giải Phóng, trước cổng Bệnh viện Bạch Mai, dù là cây cầu có nhiều người đi bộ sử dụng nhưng dưới chân cầu, bên thì “chợ cóc”, xe ôm phong tỏa, bên thì hàng quán bủa vây, xả rác bừa bãi rất mất vệ sinh, gây khó khăn, phiền toái cho khách lên xuống. Chị Thanh Hằng, chủ nhà trọ trong ngõ 266 Lê Thanh Nghị ngay sát chân cầu vượt cho biết, rất nhiều người nhà bệnh nhân từ Bệnh viện Bạch Mai khi đi qua cầu sang tìm nhà trọ đều tỏ ra ái ngại khi bị xe ôm, hàng quán tại đây chèo kéo. Hay như dưới chân cầu bộ hành trên phố Chùa Bộc, Đại Cồ Việt đã trở thành điểm tập kết xe thùng chở rác, dụng cụ vệ sinh... trông rất nhếch nhác. Chưa hết, nhiều cầu vượt bộ hành đã ở trong tình trạng xuống cấp, mặt cầu, cầu thang xuất hiện rạn nứt, “ổ gà”, mái che bong tróc, vỡ hỏng...
Nhiều người đi bộ vẫn băng qua phố Chùa Bộc cạnh cầu vượt (ảnh chụp trưa 7/9). Ảnh: Phạm Hùng
Nhiều người đi bộ vẫn băng qua phố Chùa Bộc cạnh cầu vượt (ảnh chụp trưa 7/9). Ảnh: Phạm Hùng
Theo ông Trần Văn Trung, sống ngay cạnh cầu vượt Giảng Võ 2, khi cầu vượt mới hoàn thành, vào buổi tối, nơi này trở thành nơi tụ tập của các đối tượng nghiện hút, đánh bạc. Sáng sớm, nếu đi lại qua cây cầu này dễ dàng bắt gặp kim tiêm do các đối tượng nghiện hút để lại. Với tình trạng mất vệ sinh, an ninh trật tự như vậy khiến người dân thờ ơ với cầu bộ hành.

Theo bà Đỗ Thanh Thủy – Phó Tổng Giám đốc Công ty Công trình giao thông Hà Nội, hiện nay, toàn TP có khoảng 40 cầu bộ hành, trong đó Công ty đang quản lý và vận hành 19 cầu tại 5 quận nội thành. Do việc quản lý, trông coi chỉ thực hiện theo giờ hành chính, vào buổi tối tại một số cây cầu, người dân lên bán hàng xả rác, các tệ nạn tụ tập trên cầu về đêm nên không thể kiểm soát.

Thiết kế, vị trí đặt cầu đã hợp lý?

Với số cầu vượt bộ hành đã được xây lắp tại Hà Nội, có thể nói chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, số ít cầu đó vẫn chưa phát huy tối đa hiệu quả. Nguyên nhân một phần do ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người tham gia giao thông chưa nghiêm, phần do các cây cầu này chưa được thiết kế hợp lý dẫn tới thiếu sự mặn mà của người sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Phúc, sống tại khu tập thể Trung Tự nhận xét, cầu bộ hành trên phố Phạm Ngọc Thạch – Lương Định Của phần cầu thang dẫn lên cầu phía đường Lương Định Của khá cao theo hình xoắn ốc, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, nhất là đối với người già, người tàn tật sức yếu.

Bên cạnh đó, có những cầu do quy hoạch không hợp lý nên chưa thu hút người đi. Cầu bộ hành trên phố Chùa Bộc, trước cổng Học viện Ngân hàng nằm ở vị trí giao cắt phố Chùa Bộc và cổng Học viện Ngân hàng, nơi không có dải phân cách cưỡng bức mà có đèn tín hiệu giao thông, nên nhiều người đã tận dụng điều kiện này để sang đường chứ không đi lên cầu. Hay như cầu giữa phố Thái Hà nằm tại vị trí không có liên kết với bất kỳ công trình thương mại, các điểm đỗ giao thông công cộng hoặc nơi vui chơi giải trí nào nên cũng rất vắng người qua lại.

Theo TS Nguyễn Ngọc Long - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu - Đường Việt Nam, trong thời gian tới, để cầu vượt bộ hành hiệu quả hơn trong khai thác, sử dụng, cần có định hướng và có quy hoạch tổng thể hệ thống trên cơ sở các yếu tố về khả năng đáp ứng nhu cầu và yêu cầu kỹ thuật. Cầu bộ hành phải được kết nối với hệ thống các công trình thương mại, các điểm đỗ giao thông hoặc gần các khu vui chơi giải trí, bệnh viện, trường học... Khi thực hiện xây cầu bộ hành, cần có các giải pháp đồng bộ, khống chế giao thông đi kèm, đó là xây các dải phân cách trên đường bằng những vật liệu cứng để người đi bộ không thể vượt qua dải phân cách này và buộc phải sử dụng cầu vượt. Trước khi xây lắp cầu cần thăm dò nhu cầu của người dân quanh khu vực hai bên cầu xem họ có sẵn sàng sử dụng cầu đi bộ hay không. Bên cạnh đó, việc khảo sát, điều tra, thẩm định vị trí hay xảy ra TNGT, mật độ dân cư, lượng người qua đường cần được thực hiện kỹ trước khi quyết định lắp cầu. Đồng thời, thiết kế cần tính đến việc sử dụng của người khuyết tật, người bị bệnh chưa đi lại được bình thường, chiều cao bậc thang, chiếu nghỉ... “Tuy nhiên, việc quan trọng nhất là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cộng với thực hiện nghiêm chế tài đối với người đi bộ, từ đó để họ có ý thức chấp hành việc qua đường bằng cầu vượt bộ hành” - ông Long nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần