Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao chăn nuôi lợn vỡ trận? - Bài 1: Phá nát quy hoạch

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa bao giờ ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam lại gặp tình trạng rớt giá thê thảm xuống sâu so với mức giá thành sản xuất như thời gian qua khiến cho hàng triệu nông dân lao đao, phá sản.

Các chuyên gia nhận định, đây là hệ quả tất yếu của khâu tổ chức sản xuất lẫn điều phối thị trường đều yếu kém.

Ồ ạt mở rộng quy mô chăn nuôi khi lợn được giá mà không theo quy hoạch, kế hoạch là thực tế diễn ra ở hầu hết các địa phương khiến cho người nuôi trở tay không kịp khi cung vượt cầu. Trong khi đó, vai trò tổ chức thực hiện, giám sát quy hoạch chăn nuôi của ngành nông nghiệp cũng như các địa phương còn hạn chế.

Phát triển quá nóng

Giá lợn hơi lao dốc xuống dưới 20.000 đồng/kg ở thời điểm từ nửa cuối tháng 4 đến nay như một cú sốc mạnh đối với người chăn nuôi, bởi giá thành sản xuất vẫn dao động ở mức trên dưới 40.000 đồng/kg. Với mức giá lợn xuất chuồng được ghi nhận là thấp nhất thế giới hiện nay, trung bình người chăn nuôi đang lỗ từ 1 - 1,5 triệu đồng/con lợn. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, ngành chăn nuôi lợn đang có sự phát triển quá nóng, khiến cho sức cung vượt quá cầu dẫn đến dư thừa sản phẩm.

Chăn nuôi an toàn sinh học tại trang trại Bảo Châu, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn.         Ảnh: Quang Thiện

Trong vòng 15 năm qua, ngành chăn nuôi luôn đạt mức tăng trưởng cao, bình quân 5 - 6%. Sản lượng thịt các loại tăng 3 lần, từ 1,8 triệu tấn lên 5,2 triệu tấn, trong đó riêng thịt lợn đã chiếm 3,9 triệu tấn (75%). Tổng đàn lợn trên cả nước cũng có sự gia tăng mạnh mẽ, hiện đạt 30 triệu con. Sức sản xuất tăng nhanh trong vòng một thời gian ngắn, trong khi cơ cấu thực phẩm phục vụ bữa ăn hàng ngày của người dân cũng có sự thay đổi rất nhanh đã tạo áp lực đè nặng lên đầu ra cho thịt lợn. Điều đáng nói, mặc dù sản xuất có sự tăng trưởng nhanh, song việc tổ chức sản xuất của ngành chăn nuôi lại chưa hiệu quả. Hiện nay, quy mô trang trại vừa và lớn mới chiếm 45% tổng đàn nuôi, còn lại 55% vẫn ở quy mô hộ nhỏ lẻ với xấp xỉ 3 triệu hộ tham gia chăn nuôi lợn là nguyên nhân dẫn đến giá thành cao, khó kiểm soát theo chuỗi.

Không nằm ngoài xu hướng chung, Hà Nội cũng là một trong những địa phương có sự phát triển của ngành chăn nuôi quá nóng. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết, nếu như năm 2015, TP mới có 1,4 triệu con lợn thì đến nay đã tăng lên 1,8 triệu con, đang vươn lên trong nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về đàn gia súc. Tuy nhiên, vị thế ấy chưa hẳn đã đáng mừng khi mà đầu ra cho sản phẩm không được đảm bảo. Thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tại thời điểm tháng 3/2017 của TP khoảng 1.100 tấn/ngày, trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ khoảng 900 tấn/ngày. Như vậy, nguồn cung đã dư thừa khoảng trên 200 tấn/ngày, chưa kể nguồn thịt lợn từ các tỉnh lân cận đưa về tiêu thụ tại TP.

Bỏ rơi quy hoạch

Sự phát triển quá nóng của chăn nuôi lợn thời gian qua xuất phát từ lối làm ăn tự phát, chạy theo lợi nhuận trước mắt mà không theo quy hoạch. Ngày 16/1/2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020”. Trong đó nhấn mạnh quan điểm phát triển ngành chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với thị trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh và tập trung phát triển sản phẩm chăn nuôi có lợi thế, khả năng cạnh tranh. Đối với chăn nuôi lợn tập trung theo hướng trang trại, công nghiệp ở những nơi có điều kiện về đất đai và duy trì ở quy mô nhất định. Chính phủ cũng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện và giao UBND các tỉnh, TP tổ chức xây dựng, thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương. Thế nhưng, do thiếu sự quan tâm sát sao trong việc rà soát, kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch chăn nuôi từ Bộ NN&PTNT đến các địa phương đã dẫn đến sự cố vỡ trận đàn lợn thời gian qua. Tại hội nghị tìm đầu ra cho thịt lợn diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn thẳng thắn chỉ ra, việc kết nối thông tin giữa Bộ NN&PTNT và các địa phương chưa chặt chẽ dẫn đến không kiểm soát được tình hình sản xuất. “Nếu không có quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch chăn nuôi thì sẽ còn nhiều cuộc giải cứu nữa” – ông Đoàn chia sẻ.

Quy hoạch bị phá nát bởi cách làm ăn theo phong trào, thiếu sự tính toán chuyên nghiệp. Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), các hình thức tổ chức sản xuất còn bị cắt khúc, chưa xây dựng được mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi lợn nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Hơn nữa, năng suất chăn nuôi còn được đánh giá là thấp so với khu vực và thế giới.

Tại Hà Nội, mặc dù từ năm 2011, UBND TP đã có quy hoạch chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát vẫn chiếm tới gần 70%. Điều này cho thấy việc tham gia giám sát quy hoạch phát triển sản xuất của nhiều địa phương còn khá hạn chế. Ông Tạ Văn Tường – Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, giai đoạn 2015 – 2016, giá lợn hơi trong nước tăng mạnh do nhu cầu xuất sang Trung Quốc tăng đã khiến người dân đổ xô tăng đàn dẫn tới nguồn cung dư thừa quá lớn trong thời gian ngắn. “Cơ bản người chăn nuôi vẫn theo tâm lý của thị trường nên thường xảy ra tình trạng được mùa rớt giá” – ông Tường chia sẻ.

Nhận định một cách khách quan, để dẫn tới tình trạng mất cân đối cung - cầu khiến cho lợn hơi rớt giá thê thảm như hiện nay, ngoài trách nhiệm của Bộ NN&PTNT và các địa phương trong khâu tổ chức cũng như kiểm soát quy hoạch sản xuất, còn có cả trách nhiệm của chính người nông dân. Thực tế trong năm 2016, đã có hàng loạt trang trại trước đây vốn là nuôi gà, tuy nhiên khi thấy lợn có giá đã cải tạo chuồng, chuyển sang nuôi lợn. Đó là chưa kể hàng loạt trại nuôi lợn mới đã được mở ra. Rõ ràng, với cách làm không theo quy hoạch, kế hoạch như hiện nay, tình trạng thịt lợn dưa thừa, rớt giá là chuyện rất dễ hiểu.
(Còn nữa)