Vì sao chi phí về logistics của Việt Nam luôn cao ngất ngưởng?

Theo TTXVN
Chia sẻ Zalo

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước. Tốc độ phát triển bình quân hàng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14-16%.

Tuy nhiên, vấn đề nội cộm nhất là chi phí logistics của Việt Nam ở mức cao, tương đương 20,9 % so với GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%.
Trong khâu vận tải, tại Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới, chi phí vận tải luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng chi phí logistics và ở mỗi mặt hàng lại có tỷ lệ khác nhau.
Theo đánh giá sơ bộ, cơ cấu chi phí chủ yếu của các phương thức vận tải hàng hóa trong tổng chi phí vận tải bao gồm chi trực tiếp (khấu hao, tiền lương công nhân vận hành, nhiên liệu, sửa chữa, bảo dưỡng) chiếm từ 60% đến 80%; chi phí gián tiếp (chi phí quản lý điều hành, lệ phí cầu đường, bến bãi, chi phí khác…) chiếm từ 20% đến 40%.
Đội chi phí
Trao đổi với phóng viên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, điểm yếu lớn nhất của doanh nghiệp trong nước vẫn là quy mô nhỏ, vừa và siêu nhỏ. Chưa có nhiều doanh nghiệp đảm nhận được toàn bộ các khâu trong một chuỗi cung ứng logistics mà mới chỉ đảm nhận được từng phần dẫn đến đội chi phí, sức cạnh tranh kém so với các doanh nghiệp nước ngoài.
Bộ trưởng đánh giá ra sao về cơ hội phát triển ngành dịch vụ logistics trong thời gian tới?
- Nhiều năm gần đây, thương mại quốc tế và nội địa của nước ta luôn tăng trưởng ổn định ở mức cao. Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu nước ta đã vượt mức 420 tỷ USD và mục tiêu đạt trên 500 tỷ USD là điều phải tính đến. Độ mở của nền kinh tế cao là điều kiện rất thuận lợi để phát triển ngành nghề này.
Ngoài ra, một loạt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương khác cũng đã và đang được đàm phán, ký kết, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia các hoạt động thương mại quốc tế, góp phần đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn phát triển theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa và hội nhập sâu rộng với quốc tế.
Bên cạnh đó, chủ trương của Chính phủ là nỗ lực cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Đồng thời xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao hiệu lực hiệu quả của quản lý nhà nước theo hướng ngày càng minh bạch, công khai. Tất cả những điều đó cho thấy cơ hội to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc phát triển các dịch vụ trong ngành logistics.
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+).
Nhiều bộ nghành quản lý logistics
Có cơ hội lớn nhưng dường như việc phát triển ngành nghề này chưa được như kỳ vọng. Theo Bộ trưởng, những điểm yếu của ngành nghề này hiện nay là gì?
- Theo tôi, vấn đề thứ nhất là công tác quản lý Nhà nước về logistics hiện nay chưa hoàn thiện, chưa có cơ chế hay đầu mối, bộ máy hoàn chỉnh để tập trung chỉ đạo thống nhất, dẫn đến chuyện có nhiều bộ ngành cùng tham gia vào quá trình quản lý ngành logistics cũng như cắt giảm chi phí logistics nhưng chưa có sự đồng bộ, toàn diện chung.
Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp luật cho ngành nghề này chưa toàn diện và chưa giải quyết được tất cả những vướng mắc đặt ra.
Tiếp đến là trình độ nguồn nhân lực trong ngành dịch vụ logsitics chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu nên cản trở sự phát triển của doanh nghiệp trong ngành logistics.
Khía cạnh cuối cùng đó là hạ tầng chưa đồng bộ và yếu kém. Hệ thống vận tải đa phương thức, tích hợp chặt chẽ chưa có. Hạ tầng giao thông, quy hoạch các trung tâm logistics thương mại và các lĩnh vực khác có liên quan cũng chưa có sự đồng bộ thống nhất. Tất cả dẫn đến chi phí logistics cũng như hiệu quả của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị còn mờ nhạt.
Theo Bộ trưởng, với những tồn tại nêu trên, vậy cần có những giải pháp đồng bộ gì để phát triển ngành dịch vụ này trong thời gian tới?
- Cá nhân tôi cho rằng, trong thời gian tới, các Bộ ngành, địa phương cần triển khai mạnh hơn Quyết định 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 nhằm tận dụng được tối đa những thuận lợi hiện nay để đưa ngành dịch vụ này phát triển lên một tầm cao mới,.
Đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ đầu mối về quản lý logistics cho Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa Quốc gia và tạo thuận lợi hóa thương mại nhằm có một đầu mối quản lý chung các bộ ngành khác để phát triển dịch vụ logistics.
Về phía các doanh nghiệp, không chỉ chú trọng tăng quy mô về tài chính mà phải tăng phạm vi tiếp cận đối với hoạt động logistics bằng cách tham gia các chuỗi cung ứng. Đồng thời tăng cường liên kết để tạo ra các doanh nghiệp lớn hơn, có khả năng thực hiện các dịch vụ trọn gói với giá thành cạnh tranh.
Điều này không chỉ đòi hỏi khung khổ pháp lý phải hoàn thiện hơn mà còn cần tăng cường vai trò của hiệp hội trong việc kêu gọi các doanh nghiệp logistics liên kết với nhau, cụ thể là doanh nghiệp logistics với doanh nghiệp chủ hàng, kinh doanh thương mại liên kết và ưu tiên sử dụng dịch vụ của nhau.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp logistics cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị. Đây là vấn đề quan trọng trong bối cảnh thương mại điện tử tiếp tục phát triển và trở thành động lực rất quan trọng trong thương mại nói chung và hoạt động logistics nói riêng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chủ động trong tìm kiếm cơ hội, cập nhật thông tin từ các chương trình hỗ trợ phát triển của Chính phủ, các Bộ ngành để khai thác tốt hơn cơ hội thị trường.
Đặc biệt, trong chương trình hành động phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần quan tâm đến vai trò Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và xã hội trong việc đào tạo nhân lực chuyên ngành logistics bởi đây là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định thành công của doanh nghiệp trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần