"Vì sao chính trị Mỹ lại xuống đến mức này?"

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Hỗn loạn, gián đoạn, công kích và lăng mạ cá nhân", một biên tập viên báo Trung Quốc mô tả, trong khi một nhà khoa học chính trị Ả Rập Saudi đặt câu hỏi: "Vì sao chính trị Mỹ lại xuống đến mức này?" Đó là 2 trong số những phản ứng thất vọng của quốc tế đối với cuộc tranh luận tổng thống Trump - Biden hôm 29/9.

Cuộc đối mặt đầu tiên giữa 2 ứng viên tổng thống Mỹ chứng kiến nhiều tranh cãi căng thẳng, khiến người điều hành thường xuyên phải kêu gọi cả 2 bình tĩnh.
Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống đương nhiệm Donald Trump với đối thủ Dân chủ Joe Biden không chỉ thu hút sự quan tâm của cử tri trong nước, mà còn khiến giới quan sát nước ngoài phải đặc biệt chú ý. Bởi những tác động tiềm tàng của nó đối với kết quả cuộc bầu cử Mỹ diễn ra sau 5 tuần nữa có thể ảnh hưởng tới thế giới trong nhiều năm tới.
Trước hết, các nhà quan sát quốc tế đã theo dõi sát tác động của cuộc tranh luận đối với thị trường tài chính và tiền tệ, tuy nhiên kết quả không cho thấy phản ứng nào đáng kể. Giá cổ phiếu tiếp tục giảm tại Nhật Bản, đồng USD suy yếu so với đồng Yên Nhật và đồng Euro, trong khi hợp đồng tương lai của Mỹ thấp hơn, dự báo sự mở cửa yếu ớt trên Phố Wall.
"Thị trường vẫn bình lặng vì cho đến nay vẫn không có chính sách bất ngờ nào được thúc đẩy từ cuộc tranh luận", Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, đánh giá về màn đối đầu Trump - Biden lần 1.
Trong khi, thay vì tính chất căng thẳng của các cuộc tranh luận, chuyên gia Stephen Innes của AxiCorp tỏ ra lo lắng lớn hơn về nguy cơ sự chậm trễ trong kết quả bầu cử do đại dịch Covid-19 có thể gây ra một số xáo trộn sau ngày bỏ phiếu 3/11.
"Với số phiếu bầu qua thư tương đối lớn và có khả năng bị nghi vấn về tính hợp pháp, có khả năng chúng ta vẫn chưa thể biết chắc kết quả vào Ngày nhậm chức, có thể kéo theo sự hỗn loạn về hiến pháp sau đó".
Hu Xijin - biên tập viên tờ Global Times, đưa ra ý kiến ​​của mình trên blog chính thức của tờ báo rằng "sự hỗn loạn, gián đoạn, công kích và lăng mạ cá nhân" xuyên suốt cuộc tranh luận đã phản ánh một sự xói mòn trong hệ thống vốn dĩ hiệu quả.
"Tôi từng ngưỡng mộ kiểu tranh luận trên truyền hình này của nền chính trị Mỹ, nhưng bây giờ tôi thực sự đang hoang mang" Hu viết, "thật vậy, hình ảnh tổng thể về Hoa Kỳ ngày càng phức tạp hơn trong mắt tôi".
Tổng biên tập của tờ The Australian, Paul Kelly, thì mô tả cuộc tranh luận là "một cuộc đụng độ hỗn loạn, thường xuyên mất kiểm soát, với việc cả 2 ứng cử viên đều tỏ ra khinh thường lẫn nhau".
"Sự cá nhân nhấn chìm nước Mỹ đã phá hủy cuộc tranh luận Trump - Biden đầu tiên", ông Kelly viết và cảnh báo: "Mỹ phải đối mặt với nguy hiểm trong vài tuần nữa".
Tim Wilson, một nhà lập pháp trong Chính phủ bảo thủ của Australia, tỏ ra thất vọng vì cuộc tranh luận đã thiếu tập trung vào chính sách: "Hầu như đó là một cuộc đấu trí giữa Tổng thống Trump và cựu Phó Tổng thống Biden. Tôi nghĩ rằng nó vô giá trị về mặt thảo luận, cho thấy sự bất ổn không chỉ về tương lai của nước Mỹ, mà cuối cùng sẽ liên quan đến sức mạnh của Mỹ và phần còn lại của thế giới".
Các vấn đề chính sách đối ngoại hầu như thiếu vắng trong cuộc tranh luận, mặc dù ông Trump đã đề cập đến cáo buộc việc Nga trả tiền cho con trai của đối thủ Biden để làm công việc tư vấn, hay việc ứng viên Dân chủ công kích các thỏa thuận thương mại của Tổng thống đương nhiệm với Trung Quốc vì không mang lại lợi ích.
Tại Trung Đông, cuộc tranh luận tổng thống Mỹ chủ yếu chỉ thu hút truyền thông nơi đây vì việc ông Biden đã dùng từ "inshallah" để chế diễu đối thủ, khi ông Trump nói rằng sẽ công bố bản khai thuế cá nhân. "Inshallah" trong tiếng Ả Rập có nghĩa là "Chúa sẵn lòng", cũng còn được sử dụng như từ lóng để nói về điều gì đó sẽ không bao giờ xảy ra.
Abdulkhaleq Abdulla, nhà khoa học chính trị của Ả Rập Saudi, đã viết trên Twitter rằng ông coi cuộc tranh luận tối 29/9 tại Cleverland như một trận chiến "loạn ngôn", đồng thời đặt câu hỏi đáng ngẫm: "Vì sao chính trị Mỹ lại xuống đến mức này?"

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần