Vì sao chuyên gia lạc quan về khả năng Mỹ, Iran sẽ đạt thỏa thuận cứu JCPOA?

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Richard Goldberg - thành viên cấp cao của Quỹ bảo vệ các nền dân chủ (FDD) Mỹ, lạc quan cho rằng chắc chắn Washington và Tehran sẽ nhượng bộ lẫn nhau để tiếp tục duy trì Thỏa thuận hạt nhân Iran.

Thỏa thuận hạt nhân đa phương sẽ được cứu?
Theo ông Richard Goldberg, thành viên cấp cao của Quỹ bảo vệ các nền dân chủ (FDD) - một tổ chức tư vấn của Mỹ, Washington và Iran cuối cùng sẽ thu hẹp được bất đồng liên quan đến Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), ký năm 2015, vốn đang trên bờ vực sụp đổ.
Ông Richard Goldberg, thành viên cấp cao của Quỹ bảo vệ các nền dân chủ (FDD) 
“Tôi cho rằng, khả năng đạt thỏa thuận Mỹ - Iran liên quan đến việc tiếp tục JCPOA hoàn toàn khả thi, vì phía Tehran đang rất cần được dỡ bỏ lệnh cấm vận để phục hồi kinh tế, trong khi Washington cũng muốn quay lại thỏa thuận hạt nhân đa phương”.
Cả Mỹ và Iran đều bày tỏ mong muốn quay trở lại bàn đàm phán về thỏa thuận JCPOA, song chưa thể thống nhất xem nước nào sẽ phải “xuống thang” trước.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden hồi tuần trước đã đề nghị bắt đầu các cuộc đàm phán với chính quyền Tehran, nhưng Iran đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, Mỹ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi tiến hành quá trình thảo luận về thỏa thuận JCPOA. Hiện phía Washington vẫn từ chối lời đề nghị này.
Ngoài ra, chuyên gia Goldberg lưu ý rằng thỏa thuận vừa đạt được giữa Iran và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về hoạt động thanh sát chương trình hạt nhân của Tehran “chắc chắn không hiệu quả”.
Quốc hội Iran hồi tháng 12/2020 cũng đã thông qua một dự luật yêu cầu nước Cộng hòa Hồi giáo ngừng một số hoạt động thanh sát hạt nhân nếu Mỹ không dỡ bỏ trừng phạt. Dự luật sẽ có hiệu lực chính thức từ ngày 23/2/2021.
Tuy nhiên, hôm 21/2 vừa qua, IAEA đã đạt được thỏa thuận với Iran để tiếp tục các hoạt động xác minh và giám sát "cần thiết" trong tối đa 3 tháng, nhưng sẽ có ít quyền tiếp cận hơn và không còn các cuộc thanh tra đột xuất kể từ 23/2.
Chuyên gia Tan Feng Qin tại Viện Trung Đông của trường đại học Quốc gia Singapore cho biết, Iran cũng nhận thức rằng việc ngăn chặn các cuộc thanh tra của IAEA có thể gây ra những bất lợi.
Theo ông Tan Feng Qin, thỏa thuận tạm thời kéo dài 3 tháng giữa IAEA và Iran sẽ giúp cả Tehran và Washington có thêm thời gian để tìm kiếm giải pháp tiến tới quá trình đàm phán.
Ông Goldberg cũng nhận định khá lạc quan rằng Mỹ và Iran có thể đạt được sự đồng thuận liên quan đến thỏa thuận hạt nhân đa phương ký năm 2015.
“Những động thái gây sức ép từ phía Iran, từ đe dọa leo thang căng thẳng ở vùng Vịnh, bắt giữ tàu chở dầu, thu hẹp cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, tất cả đều nhằm mục đích buộc Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt. Điều đó chứng tỏ Mỹ và Iran có khả năng đạt được một thỏa thuận trong thời gian tới”- chuyên gia Goldberg. 
Kinh tế Iran tổn thương nghiêm trọng vì lệnh trừng phạt
Các biện pháp trừng phạt kinh tế, do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump tái áp đặt sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận JCPOA, đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với kinh tế của Tehran.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Iran lần gần nhất ghi nhận mức tăng trưởng GDP là năm 2017. Bên cạnh đó, nước Cộng hòa Hồi giáo này chỉ đạt mức dự trữ ngoại hối khiêm tốn khoảng 8,8 tỷ USD trong năm ngoái, thấp hơn mức 12,7 tỷ USD của năm 2019 và giảm kỷ lục so với con số 121,6 tỷ USD trong năm 2018.
Iran nói rằng ngày 23/2 là thời hạn chót để Mỹ có hành động cụ thể về dỡ, nới lỏng cấm vận kinh tế.
Ông Goldberg nhận xét rằng nền kinh tế Iran đang phải gánh chịu sức ép quá lớn từ các biện pháp trừng phạt mà cựu Tổng thống Trump gọi là chiến dịch gây áp lực tối đa đối với Tehran. “Rõ ràng, Iran đang rất cần được chính quyền Mỹ nới lỏng lệnh cấm vận và gia tăng áp lực buộc Tổng thống Joe Biden ngồi vào bàn đàm phán”-  chuyên gia Goldberg cho hay.
Tuy nhiên, chuyên gia Goldberg đang hoài nghi về khả năng thực hiện cam kết của Iran về việc quay trở lại tuân thủ đúng điều khoản của thỏa thuận hạt nhân lịch sử.
Iran từng nhiều lần khẳng định rằng họ sẵn sàng đảo ngược các vi phạm trong JCPOA nếu Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, ông Goldberg cho biết: “Hiện có rất nhiều quyết định mà Iran không thể đảo ngược, chẳng hạn như việc thử nghiệm máy ly tâm tiên tiến làm giàu uranium”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần