Vì sao doanh nghiệp bất động sản khó khăn vẫn không giảm giá sản phẩm?

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thông tin, trong cơn bĩ cực của dịch Covid-19, một loạt DN BĐS Trung Quốc buộc phải giảm giá sản phẩm nhằm thu hồi vốn, trong đó có Evergrande - công ty phát triển BĐS lớn thứ 3 Trung Quốc (xét theo vốn hóa) đã phải đưa mức chiết khấu lên tới 25% tại tất cả các dự án trên toàn quốc. Dư luận có quyền đặt câu hỏi, tại sao tại Việt Nam, mặc dù thị trường BĐS giao dịch ảm đạm, DN khó khăn chồng khó khăn, thế nhưng chính sách giảm giá đủ hấp lực nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay… vẫn là điều “không tưởng”?

Tỷ lệ hấp thụ thấp nhất trong 4 năm qua
Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam quý I/2020 của Hội Môi giới BĐS Việt Nam vừa qua đã rất thẳng thắn khi nhận định rằng, mặc dù thị trường vô cùng trầm lắng song giá bán BĐS không hề có sự sụt giảm so với quý IV/2019 và chưa có bất cứ DN nào công bố chính sách giảm giá sản phẩm. Đây được xem “nút thắt” của thị trường và liệu, các DN BĐS có tự mở nút để cứu mình từ hấp lực của chính sách giảm giá sản phẩm hay không?.
Tỷ lệ hấp thụ dự án nhà ở của quý I/2020 chỉ đạt 14,3%. Ảnh minh hoạ.
Theo số liệu thống kê, lượng cung, giao dịch BĐS quý I/2020 tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Đối với các dự án nhà ở, tổng sản phẩm chào bán trên cả nước (gồm cả hàng tồn kho và mới mở bán) đạt 53.236 sản phẩm nhưng giao dịch chỉ đạt 7.641 sản phẩm.Trong đó, tại Hà Nội, có 8.963 căn hộ được chào bán, giao dịch đạt 1.307 sản phẩm; tại TP Hồ Chí Minh có 8.421 căn hộ được chào bán, giao dịch là 1.409 sản phẩm.
Vào google, gõ “doanh nghiệp bất động sản kêu khó” chỉ trong vòng 0.37 giây đã cho ra 15.700.000 kết quả, trong đó có nhiều kết quả của năm 2020. Với thao tác này bằng cụm từ “doanh nghiệp bất động sản giảm giá sâu” thì cho ra kết gấp 1.5 con số trên nhưng chủ yếu nội dung gần giống với cụm từ ban đầu, không xuất hiện dữ liệu DN cụ thể giảm giá trong năm nay.
Một khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị trên panpage Bất động sản Hà Nội Group với hàng nghìn thành viên là những người trong và ngoài giới tham gia cho thấy, sẽ rất khó có chuyện giảm giá sản phẩm BĐS vì DN đã phải bỏ ra nhiều chi phí, hoặc giảm sẽ ảnh hưởng tới khách hàng mua trước, nếu có chỉ là tăng chiết khấu và thêm voucher.
Có ý kiến lại cho rằng, bây giờ giảm giá cũng không mấy ai quan tâm - không mấy ai mua nhưng tăng giá thì sẽ nhiều người lao vào mua. Đồng quan điểm về vấn đề này, anh Nguyễn Quốc Dũng - sale một sàn giao dịch BĐS tại Hà Nội nhìn nhận, tâm lý người Việt thường “của rẻ của ôi” nên nếu DN tự dưng hạ giá - hạ sâu, khách hàng sẽ đặt câu hỏi nghi ngờ đối với dự án, với chủ đầu tư; ngược lại tăng giá thành thì sẽ cho rằng dự án có giá trị nên hùa nhau vào mua theo tâm lý đám đông.
“Có lẽ vì thế mà hạ giá là điều “cấm kị” ngầm trong lĩnh vực BĐS. Nếu có chỉ là tăng chiết khấu, voucher để hấp lực khách hàng - nhà đầu tư” - anh Dũng nói.
Sẽ phải giảm giá để đẩy hàng?
Tuy nhiên, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT GP Invest đã phủ nhận nguyên nhân DN BĐS không giảm giá khi cho rằng do ảnh hưởng tâm lý “của rẻ của ôi”. Theo ông Hiệp, DN phải rất cân nhắc chuyện giảm giá sản phẩm vì chi phí đã bỏ ra làm dự án là quá lớn.
DN khó giảm giá khiến nhiều người có nhu cầu ở thực vẫn khó có cửa mua nhà. (Ảnh minh hoạ; nguồn Internet)
“Trong đó, một chi phí lớn mà DN phải trả đó là giá đất. Giá đất luôn tăng chóng mặt. Có những hệ số trị lên tới 3,65 lần so với đơn giá Nhà nước công bố. Mọi người cứ nghĩ rằng DN lãi nhiều nhưng không phải vậy.
Như một số dự án của GP Invest chúng tôi đang thực hiện chỉ mong thu lại được chi phí đã bỏ ra là tốt rồi. Làm gì có quy định ngầm nào giữa các DN BĐS về việc không giảm giá sản phẩm. Mỗi DN phải tự cân đối tài chính và tự quyết định về chính sách bán hàng của mình” - ông Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ.
Về chính sách giảm giá thành sản phẩm trước tình hình khó khăn như hiện nay, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho biết, Hiệp hội cũng đã trao đổi vấn đề này với một số DN BĐS lớn của TP Hồ Chí Minh và chuyện giảm giá thành hẳn là giải pháp mà các DN sẽ buộc phải lựa chọn khi đại dịch qua đi.
“DN BĐS bây giờ thực sự rất khó khăn, có dự án đang thực hiện “đứt gánh giữa đường” vì một số lý do phải dừng; nhiều dự án sản phẩm không bán được nhưng họ vẫn phải sống, vẫn phải trả lãi ngân hàng và phải trả hàng loạt các chi phí khác. Ví dụ như Hưng Thịnh Group có đến hơn 3.000 cán bộ, công nhân viên, riêng trả tiền lương, tiền bảo hiểm thôi cũng đã là quá tải rồi trong bối cảnh hiện nay.
DN có nền tảng phát triển hiện nay được thể hiện qua tính thanh khoản và tiền mặt mà anh có. Hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh chưa ghi nhận chính sách giảm giá rõ ràng của DN nào, tuy nhiên nó sẽ diễn ra trong thời gian gần thôi, có thể từ tháng 6 hoặc rõ nhất là vào tầm tháng 8 tới” - ông Lê Hoàng Châu nhận định.
Đánh giá về việc một công ty nghiên cứu thị trường của nước ngoài tại Việt Nam cho rằng, giá chung cư tại TP Hồ Chí Minh Quý I/2020 giảm 15%, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng, đó là con số chỉ dành cho phân khúc cao cấp, không phải cho thị trường chung cư nói chung.
“Trước đây, phân khúc này được định giá "trên trời" nên giờ một vài dự án bằng cách này cách kia thể hiện giảm thì cũng chưa về con số giá trị thực. Vì vậy, con số đó không có nghĩa gì với thị trường tại TP Hồ Chí Minh” - ông Lê Hoàng Châu nói.