Vì sao du lịch Việt chưa cất cánh?

Nguyễn Vũ Quỳnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được đánh giá là sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á với nhiều di tích lịch sử và 26 di sản được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới, cùng nền văn hóa phi vật thể độc đáo của hơn 800 lễ hội trên khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là ẩm thực “chiều lòng người”; song từ lâu, nhiều người vẫn canh cánh với câu hỏi lớn: Vì sao khách đến chi tiêu rất ít tiền và du lịch Việt Nam chưa thể cất cánh?

 Du khách quốc tế tham quan phố cổ Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng 
Đừng tự bằng lòng với những danh hiệu
Với tiềm năng, vị thế ấn tượng trên, lẽ ra, Du lịch Việt Nam phải là cánh chim đầu đàn của khu vực Đông Nam Á, ấy vậy nhưng theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2017 cả nước đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế và hơn 73 triệu lượt khách nội địa. Con số ấy đã được Tổ chức Du lịch thế giới xếp hạng 6/10 điểm du lịch có tốc độ phát triển nhất châu Á. Danh hiệu này đã khiến ngành công nghiệp không khói đã mừng quýnh lên cả. Nhưng, so với ngành kinh tế xanh của Singapore- một quốc đảo có diện tích tương đương huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với dân số hơn chỉ 5,6 triệu người, năm 2017 đã đón xấp xỉ 14 triệu lượt du khách, xếp hạng thứ 5 lại thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn quá khiêm tốn.
Việt Nam nên đẩy mạnh quảng bá thế mạnh đó và càng cụ thể, chi tiết càng tốt vì khách nước ngoài không chỉ đến một lần, họ có thể quay trở lại nhiều lần để khám phá các vùng, miền khác nhau. Hiện xu hướng đi du lịch tự túc ngày càng được nhiều du khách lựa chọn nên nhiệm vụ của ngành du lịch là càng đưa ra được nhiều lựa chọn càng tốt.

Trưởng đại diện Cơ quan xúc tiến du lịch Nhật Bản tại Việt Nam Takahashi Ayumi
Theo báo cáo của ngành du lịch, doanh thu toàn ngành năm qua đạt 515.000 tỷ đồng. Nhưng một thành viên Ban Chấp hành Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết: Đó là con số “nhảy múa” vì ông đã cộng số liệu của 63 tỉnh, thành báo cáo doanh thu không tài nào tìm ra cho đủ 515.000 tỉ đồng. Một đất nước được cho là vô cùng xinh đẹp, nhưng khách đến lại chi tiêu quá ít ỏi là thực tế phải nhìn nhận. Minh chứng là năm 2017, TP Hồ Chí Minh đón 6,4 triệu lượt khách quốc tế; 24,9 triệu lượt khách nội địa, doanh thu 116.000 tỉ đồng. Mức chi tiêu trên mỗi khách xấp xỉ 3,7 triệu đồng/khách. Đồng Tháp đón 3,3 triệu lượt khách nhưng chi tiêu chưa đạt 200 ngàn đồng/khách, có tỉnh du khách đến chi tiêu chỉ 137.000 đồng/người... Những con số đó thực sự còn thấp. Người làm du lịch cần nhìn thẳng vào sự thật đáng buồn này để biết rằng ngành công nghiệp không khói nước ta thực sự đang đứng ở đâu trên bản đồ du lịch quốc tế. Nếu cứ nhìn vào những danh hiệu, sự bình chọn của Tổ chức Du lịch thế giới hay những con số “nhảy múa” kia để tự hài lòng, thì ngành kinh tế xanh sẽ khó tự hoàn thiện mình.

Trông người lại ngẫm đến ta

Nhìn sang các nước láng giềng, khách du lịch đến Thái Lan, Malaysia, Sigapore... đạt doanh thu rất cao, du khách móc hầu bao tiêu nhiều tiền. Điển hình, năm 2017, Thái Lan đón 35 triệu lượt khách quốc tế, thu về 71 tỉ USD. Trung bình mỗi khách ở 5 ngày 4 đêm. Trong khi “Xứ sở chùa vàng” chỉ có vài ba bãi biển và rất ít thắng cảnh. Tuy nhiên, những chương trình biểu diễn của các ca sĩ chuyển giới với 6 thứ tiếng (Việt Nam, Trung Quốc, Anh, Pháp, Ấn Độ, Nga); hay chương trình “Sexy tour” luôn gây ấn tượng, sự hiếu kì cho các “thượng đế”. Giá vé cho hai chương trình này không hề rẻ, nhưng khách vẫn kéo đến nườm nượp.
 Du khách quốc tế chọn mua hàng lưu niệm tại phố cổ Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Bên cạnh đó, họ có các trung tâm du lịch với nhà hàng ăn uống phục vụ được cả ngàn khách; rất nhiều chợ đêm đường phố bán đồ ăn uống, hàng hóa với giá rẻ; nhiều siêu thị, khu vực bán hàng lưu niệm mang đậm bản sắt; có đủ chỗ cho cả hàng trăm xe ô tô, trong đó nhiều nhất là xe 50 chỗ cho khách thuận tiện tham quan, mua sắm... Và còn vô số cái hay khác.

Trong khi đó, ở Campuchia, khi đến thăm AngkoWat, AngkoThơm, du khách sẽ được xem chương trình nghệ thuật hoành tráng về lịch sử hình thành đất nước Chùa tháp. Các “thượng đế” không thể bỏ qua chương trình này và muốn vào xem phải đặt vé trước. Du lịch Campuchia “sinh sau, đẻ muộn” so với ta, nhưng giờ nhiều cái ta phải học tập bạn. Chưa nói đến Singapore, ngay cả Malaysia cũng làm du lịch chuyên nghiệp hơn ta rất nhiều.

Bao giờ cất cánh?

Một vị chuyên gia du lịch Singapore chia sẻ: “Chúng tôi ao ước có được tài nguyên du lịch, với hàng ngàn địa danh thắng cảnh, di tích lịch sử đặc biệt, có hàng chục di sản được UNESCO công nhận. Bởi, Singapore chỉ có vài ba danh thắng và không có bất cứ di sản nào được thế giới tôn vinh là văn hóa loài người”. Nghe vị khách ấy nói chắc chắn những người làm du lịch nước ta phải tự nghĩ về mình.

Trước tiên, chúng ta chưa làm tốt cơ sở hạ tầng du lịch, chưa có nơi ăn nghỉ ngon lành cho người đi chơi ở lại, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, miền núi, Tây Nguyên. Trong khi nghèo nàn sản phẩm du lịch đặc trưng và các tour khám phá văn hóa kết hợp ẩm thực giá trị cao. Mặt khác, môi trường du lịch chưa thực sự được đảm bảo, khi vẫn còn tình trạng lừa đảo, trấn lột du khách. Chúng ta có hàng ngàn công ty du lịch nhưng hầu hết đều rất nhỏ; đội ngũ hướng dẫn viên chưa chuyên nghiệp, chưa rành về văn hóa, lịch sử, địa lí... đặc biệt là văn hóa tạo cảm xúc cho du khách.

Còn nhớ, lần vào thăm Vũng Tàu, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười khi còn là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã nói với hơn 500 học viên trường du lịch: “Chúng ta làm du lịch bằng tài sản thiên nhiên ban tặng, cái đó chúng ta giàu có lắm, nhưng chưa đủ. Chúng ta phải kết hợp cả văn hóa Việt Nam, sự hiếu khách, cộng với tiếp thu văn minh du lịch trên thế giới mới trọn vẹn. Làm sao để du khách đến nước ta thật nhiều, mà đã đến là phải tiêu hết tiền, đừng để họ mang tiền về, các bạn có nhất trí với tôi như vậy không nào”. Tiếng vỗ tay vang lên của hơn 500 học viên du lịch hồi ấy hẳn nhiều người vẫn nhớ đến bây giờ.

Thật tế, điều du khách cần ở chúng ta là một môi trường trong sạch, an ninh, an toàn thực phẩm, văn hóa đặc sắc. Muốn tận thu hầu bao của “thượng đế”, chúng ta cần gieo vào trái tim họ những ấn tượng đẹp không thể nào quên về một Việt Nam tươi đẹp, với những nụ cười luôn hiện hữu trên môi.
Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đối với du khách Hàn Quốc nói riêng, thế giới nói chung. Tuy nhiên, đi kèm với các dịch vụ vui chơi giải trí liên quan đến du lịch, các địa phương cũng nên phát triển thêm cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện công cộng. Các ngành dịch vụ liên quan như nhà hàng, ăn uống, vệ sinh... cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam Jung Chang Wook

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần