Vì sao Hà Nội đang ở mức ô nhiễm cao nhất tính từ đầu năm đến nay?

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong nhiều ngày qua (từ ngày 8/12/2019 đến nay), chất lượng không khí - AQI tại các điểm quan trắc trên địa bàn TP Hà Nội liên tục duy trì ở ngưỡng xấu (màu đỏ, mức thang cảnh báo 4/6) và rất xấu (màu tím, mức thang cảnh báo 5/6).

 

Sở TN&MT Hà Nội cho biết, tại Thủ đô Hà Nội, ngày 8/12 AQI theo giờ dao động trong khoảng từ 67 - 185. Ngày 9/12, AQI giờ dao động từ 86 - 198. Ngày 10/12, AQI dao động từ 105 - 240. Ngày 12/12, AQI dao động từ 109 - 266. Ngày 13/12, dao động từ 153 - 265. Và ngày 14/12, dao động từ 155 - 258.

Kết quả quan trắc cho thấy, buổi sáng (từ 5h đến 12h) là thời điểm ô nhiễm nhất trong ngày. Sau đó giảm nhẹ vào trưa chiều và tăng lên vào ban đêm.

Qua theo dõi, đây là giai đoạn có mức độ ô nhiễm cao nhất tính từ thời điểm đầu năm đến nay (4 ngày liên tiếp chất lượng không khí (CLKK) ở mức “xấu” và “rất xấu”). Tình trạng ô nhiễm này có thể kéo dài cho đến khi trời xuất hiện mưa hoặc gió mùa Đông Bắc tăng cường.

Nguyên nhân chính trong giai đoạn ô nhiễm này chủ yếu bị tác động bởi điều kiện khí tượng. Vào mùa Đông bức xạ mặt trời yếu hơn mùa Hè, tuy nhiên, vào ban ngày mặt đất bê tông hóa vẫn bị đốt nóng khiến nền nhiệt tăng khá cao.

Vào buổi tối, nhiệt độ lại giảm sâu mặt đất nhanh chóng bị lạnh đi khiến nhiệt độ ở tầng khí quyển sát mặt đất cũng giảm và thấp hơn khối không khí bên trên, gây ra hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ vào giữa đêm và sáng sớm tạo ra một lớp sương phủ kín toàn TP. Đồng thời, những ngày này không có gió mùa Đông Bắc tăng cường nên tốc độ gió luôn ở mức thấp gần như là tĩnh gió.

Mặt khác, các hoạt động hàng ngày như phương tiện giao thông, dân sinh, đốt rác tự phát, công trình xây dựng… vẫn diễn ra mỗi ngày và đều đặn phát thải các chất ô nhiễm ra môi trường.

Dưới tác động của các điều kiện khí tượng bất lợi kết hợp với nghịch nhiệt làm cho các nguồn thải hàng ngày không phát tán lên cao được mà bị tích tụ lại lơ lửng ở lớp khí quyển sát mặt đất, khiến nồng độ chất thải rất cao, CLKK suy giảm.

Cho đến trưa chiều, khi ánh sáng mặt trời đủ mạnh, đốt nóng mặt đất và lớp không khí sát đất, lúc này lớp khí quyển không còn ổn định, các chất thải sẽ được thoát lên cao và pha loãng. Nồng độ bụi trong thời gian này cũng giảm xuống.

Tuy nhiên, thời gian này do độ ẩm và nhiệt độ thấp kết hợp với trời không có mưa nên khối không khí này không thể bốc lên quá cao như mùa hè. Do đó, dù có giảm xuống nhưng CLKK vẫn chạm ngưỡng “xấu”.

Kết quả quan trắc cho thấy, thời điểm bụi tăng cao thường tập trung vào sáng sớm vào thời gian người dân đi làm và học sinh đi học.

Sở TN&MT Hà Nội khuyến cáo, với mức độ ô nhiễm như hiện nay, tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Khuyến cáo mọi người nên hạn chế ra ngoài, nhóm nhạy cảm không nên ra khỏi nhà.

Các trường học không cho các em học sinh tham gia các hoạt động ngoài trời. Không tập thể dục vào sáng sớm và chiều tối. Đóng kín các cửa sổ trong nhà. Trong trường hợp cần thiết ra ngoài, phải trang bị khẩu trang chuyên dụng chống bụi PM2.5. Nên lưu thông trên đường bằng xe bus hoặc ô tô, hạn chế phương tiện cá nhân.

Trong một vài ngày tiếp theo, có thể CLKK cũng sẽ không thay đổi nhiều so với những ngày vừa qua.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần