Vì sao HOSE nghẽn lệnh liên tiếp?

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần này ghi nhận hiện tượng nhiều công ty chứng khoán đã gửi thông báo tới các nhà đầu tư về việc gián đoạn giao dịch.

 Ảnh minh họa
Đơn cử phiên giao dịch ngày 22/12, nhà đầu tư phản ánh không đặt được lệnh mua bán chứng khoán trong phiên ATC đối với các cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE). 
Sang phiên 23/12, nhiều nhà đầu tư phản ánh từ 14 giờ chiều trở đi lệnh giao dịch bị treo khi mua các cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE, thậm chí không huỷ lệnh được.

Lần tiếp theo là phiên giao dịch hôm 24/12, lỗi treo lệnh/huỷ lệnh và chậm trả kết quả cũng được nhà đầu tư phản ánh trong cuối phiên sáng.

Sang phiên chiều, việc khớp lệnh chỉ diễn ra bình thường chừng 15 phút đầu, sau đó nhà đầu tư không thể vào lệnh bình thường suốt thời gian còn lại của phiên giao dịch.

Trong khoảng thời gian ngắn, hệ thống liên tục xảy ra lỗi, dẫn đến sự hoang mang đối với không chỉ nhà đầu tư trong nước mà còn các nhà đầu tư nước ngoài. Các chuyên gia nhận định, những lỗi treo lệnh này là đặc biệt nghiêm trọng, nếu không kịp thời sửa đổi sẽ làm mất vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính quốc tế.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Vũ Quang Trung - Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành HOSE cho biết, trong những phiên giao dịch gần đây, thanh khoản thị trường chứng khoán đã tăng rất mạnh, thậm chí có thời điểm đột biến vào cuối phiên giao dịch.

"Trước hiện tượng này, chúng tôi đã chủ động tìm hiểu và phối hợp với đối tác để gấp rút phân tích nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục. Để có thể chia sẻ cụ thể về nguyên nhân chính xác thì chúng ta cần thêm thời gian để có đủ dữ liệu để các chuyên gia phân tích chuyên sâu", ông Nguyễn Vũ Quang Trung nói.

Vị này thông tin thêm, qua xác định bước đầu, nguyên nhân nghẽn lệnh truyền từ các công ty chứng khoán vào hệ thống của HOSE là do số lượng lệnh giao dịch tăng nhanh khi số nhà đầu tư tăng, số tài khoản tăng, số cổ phiếu và chứng khoán mới gia nhập thị trường lớn, cùng với khả năng các robot được sử dụng để đặt lệnh. Đây là hiện tượng khá bất ngờ, khó dự kiến chính xác khi tốc độ tăng trưởng tính bằng lần của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Về mặt kỹ thuật, ông Nguyễn Vũ Quang Trung cho biết đã và đang phối hợp làm rõ. Trước mắt có thể do cơ chế tự bảo vệ của hệ thống được kích hoạt khi có quá nhiều lệnh tham gia giao dịch, trong đó bao gồm cả các lệnh sửa huỷ, nhằm bảo vệ an toàn chung cho hệ thống giao dịch toàn thị trường.

Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành HOSE khẳng định, hệ thống thực hiện khớp lệnh trong những phiên vừa qua không xảy ra sai sót. Lệnh vào hệ thống của HOSE vẫn được ghi nhận xử lý và trả kết quả chính xác, đầy đủ, sau đó chuyển sang Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD). Kết quả khớp lệnh giữa Sở và các công ty chứng khoán không hề có sự chênh lệch dù là nhỏ nhất.