Vì sao lát đá vỉa hè khó đạt hiệu quả mong đợi?

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công bằng mà nói, sau khi Hà Nội tiến hành chỉnh trang vỉa hè trên các tuyến phố, bộ mặt độ thị rõ ràng khang trang, sạch đẹp hơn; tình trạng lấn chiếm vỉa hè và tai nạn giao thông vì thế cũng được đẩy lùi. Thế nhưng, có tuyến phố vỉa hè mới đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng, xuống cấp nhanh khiến không ít người dân tỏ ra bất bình.

 Đoạn vỉa hè tại số 218 Phạm Văn Đồng nứt vỡ, hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: Ngọc Hải
Không cần phải nghiên cứu sâu về chất lượng đá và kỹ, mỹ thuật lát đá vỉa hè, là người dân thường tham gia giao thông, bằng cảm quan cũng có thể nhận diện “thủ phạm” khiến vỉa hè vừa chỉnh trang xong đẹp đẽ là thế nhưng chẳng mấy chốc có chỗ đã bị sứt mẻ, mất mỹ quan đô thị. Đấy là khi tắc đường, người đi xe máy bất chấp vỉa hè được bó cao, chen lấn, lạng lách phi lên đường dành cho người đi bộ, có đoạn lái xe ô tô cũng cố trườn “tấm thân” nặng trịch lên. Thậm chí, vỉa hè vừa lát xong, hệ thống điện nước, cáp ngầm lại đào bới, hoàn trả mặt đường cẩu thả. Tiếp đến, nhiều tuyến phố vỉa hè biến thành bãi gửi xe ô tô, xe máy…, hàng ngày chịu tải cả tấn thì đá nào chịu nổi?
Tham khảo các nước trên thế giới cho thấy, đa phần vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ, cây xanh được trồng xung quanh, có biển báo hiệu, thanh chắn bằng thép chỉ dành người đi bộ đi lên được. Chỉ cần ô tô đỗ sai vào vỉa hè, camera ghi lại, cảnh sát giao thông sẽ xử lý ngay. Còn, nếu muốn sử dụng thêm chức năng khác cho vỉa hè thì thiết kế phải khác.
Nhưng ở Hà Nội, do thiếu nơi để xe (cái này cũng là lỗi phê duyệt thiết kế công trình xây dựng) nên vỉa hè, lòng đường đã được giải quyết bằng cách khoanh vùng khu vực “đủ điều kiện” để cấp phép trông giữ xe. Song có chỗ lại tự phát mở dịch vụ trông giữ vì nhu cầu cao hoặc được cấp phép dưới lòng đường nhưng đơn vị dịch vụ đã tự ý cho xe để lên cả vỉa hè rồi thu tiền. Điều đáng nói, tình trạng vi phạm trật tự đô thị này đã và đang diễn ra nhưng chẳng mấy khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng hoặc có cũng chỉ nhắc nhở, nếu phạt thì phạt hành chính rồi… “đâu lại vào đấy”.
Bởi vậy, khoan hãy bàn đến chất lượng đá, kỹ thuật thi công vỉa hè, vì Hà Nội đã rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai, kịp thời ban hành Quyết định 1303/QĐ-UBND ký ngày 21/3/2019 phê duyệt “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn TP Hà Nội”, thay thế Quyết định 4340/QĐ-UBND ngày 20/8/2014.
Theo đó, vật liệu lát hè được quy định cụ thể, chi tiết với từng tuyến phố: Phố nào được lát bằng đá tự nhiên; phố nào là gạch Tezarro hoặc gạch bê tông vân đá; phố nào thì lát bằng gạch Block... Vấn đề chúng ta cần quan tâm là làm thế nào chấm dứt tình trạng phương tiện giao thông đi trên vỉa hè. Đồng thời xử lý triệt để tình trạng vi phạm trật tự, lấn chiếm vỉa hè, trả lại vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ.
Thiển nghĩ, chừng nào chưa có sự vào cuộc một cách đầy trách nhiệm của các lực lượng chức năng, từ khâu triển khai, giám sát thi công đến công tác quản lý hậu dự án, duy tu, duy trì; chừng nào người tham gia giao thông chưa nhận thức rõ được trách nhiệm của mình trong giữ gìn tài sản công thì vấn đề chỉnh trang vỉa hè của TP khó có thể đạt được hiệu quả tốt nhất. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần