Vì sao lượng xe cá nhân tăng cao?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xu hướng sử dụng phương tiện cá nhân để đi lại trong dịp Tết, du Xuân hay các kỳ nghỉ ngày càng gia tăng. Một phần nguyên nhân bắt nguồn từ chất lượng dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Hạn chế phương tiện xe cá nhân sẽ tránh được ùn tắc và tai nạn giao thông. Ảnh: Việt Dũng
Trong những năm gần đây, vào những dịp lễ Tết hay du Xuân... rất nhiều người dân lựa chọn phương tiện cá nhân để di chuyển thay vì xe khách liên tỉnh như trước. Chính hiện tượng này đã và đang khiến gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông cũng như nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT).
Nhiều bất cập
Trên thực tế, hiện tượng trên mang tính hai mặt. Mặt tích cực cho thấy, hiện nay điều kiện và mức sống của người dân Việt Nam đang ngày càng đi lên. Chính nhờ mức sống được cải thiện, của cải tích lũy được nhiều nên người dân mới có điều kiện mua sắm những trang thiết bị phục vụ cuộc sống, trong đó có phương tiện cá nhân, đặc biệt là ô tô. Bên cạnh đó, sự phát triển của kinh tế cả nước kéo theo đầu tư cho hạ tầng giao thông cũng được cao hơn. Nhiều tuyến đường đã được xây mới, các tuyến quốc lộ được mở rộng, nâng cấp. Vì thế việc đi lại thuận tiện, thời gian rút ngắn rất nhiều so với những năm trước. Di chuyển bằng xe cá nhân trong dịp Tết cũng dễ dàng, thuận tiện.
Vận tải hành khách liên tỉnh nói riêng và lĩnh vực vận tải nói chung chịu sự chi phối rất lớn về mặt cơ chế từ Nghị định 86 sửa đổi. Chỉ khi Bộ GTVT sớm hoàn thành bản dự thảo nghị định này với những quy định mới, phù hợp với xu thế hiện nay thì lĩnh vực vận tải hành khách liên tỉnh mới có điều kiện để cải thiện chính mình, nâng cao chất lượng dịch vụ. Lúc đó xu hướng sử dụng xe cá nhân trong dịp Tết của người dân tự nhiên sẽ giảm.
TS Nguyễn Hữu Đức – Chuyên gia giao thông đô thị
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực đó, xu hướng sử dụng phương tiện cá nhân để đi lại trong dịp Tết và du Xuân thật sự đã và đang gây ra rất nhiều hệ lụy và bất cập. Đó là tình trạng ùn tắc giao thông, nguy cơ tiềm ẩn TNGT, mất an ninh trật tự… đã và sẽ tiếp tục phát sinh. Trong những năm gần đây, tình trạng bùng phát phương tiện giao thông cá nhân đã tạo ra một sức ép rất lớn lên hệ thống giao thông ở các đô thị lớn. Điển hình nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, chúng ta đã đầu tư rất nhiều cho mạng lưới vận tải hành khách công cộng. Đó là mạng lưới xe buýt, buýt nhanh, đường sắt đô thị… Tuy nhiên, một thực tế là nếu chỉ phát triển vận tải hành khách công cộng mà không có phương án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân ở các đô thị lớn thì “căn bệnh trầm kha” mang tên ùn tắc giao thông sẽ rất khó để giải quyết triệt để.

Sử dụng xe cá nhân nhiều sẽ làm tăng ùn tắc và TNGT. Ảnh: Trần Dũng
Xem lại chất lượng dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức – Chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, từ xu hướng này đã chỉ ra một vấn đề đã và đang tồn tại từ khá lâu trong lĩnh vực vận tải, đó là chất lượng dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh đang không đáp ứng được kỳ vọng của người dân. “Dù trong những năm gần đây, chất lượng vận tải hành khách công cộng đã được nâng lên rất nhiều. Xe mới, tích hợp dịch vụ công nghệ như wifi, phục vụ ăn nhẹ và nước uống cho hành khách. Đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều hãng vận tải hành khách tư nhân chạy các tuyến liên tỉnh và được tổ chức rất quy mô, bài bản đã giúp phần cải thiện đáng kể bộ mặt của ngành vận tải hành khách” – TS Nguyễn Hữu Đức cho biết.
Tuy nhiên, theo chuyên gia giao thông này, xét một cách toàn diện, sự cải thiện chất lượng dịch vụ của vận tải hành khách liên tỉnh chỉ mang tính tương đối và không bền vững. “Có một vấn đề vẫn tồn tại là chất lượng dịch vụ của các hãng vận tải hành khách liên tỉnh trong những ngày thường được đảm bảo tương đối tốt. Song vào dịp lễ, Tết, khi nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến đã khiến cho chất lượng giảm xuống rõ rệt” - TS Đức nói.
Đồng quan điểm, một số chuyên gia khác cho rằng, nếu đứng trên phương diện của DN vận tải mà nhìn nhận chúng ta sẽ có nhiều lý do để thông cảm. Bởi vào dịp Tết, với việc nhu cầu đi lại của người dân tăng phi mã, các DN vận tải cũng phải “chạy đua” để tăng chuyến. Đây chính là “mùa vàng” của các hãng vận tải hành khách liên tỉnh. Nếu họ vẫn giữ nguyên cường độ làm việc như ngày thường họ sẽ bị thua thiệt. Mà chỉ có giữ nguyên cường độ làm việc như ngày thường mới có thể đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt được: “Nếu vẫn chạy như ngày thường thì họ sẽ chết. Cho nên nhiều khi họ phải đảm bảo sự cân đối về dịch vụ ở một mức nào đấy” - một chuyên gia giao thông cho hay.
Do đó, xu hướng sử dụng phương tiện cá nhân trong dịp lễ, Tết cũng bắt nguồn từ chính nguyên nhân này. Người dân muốn thuận tiện và chủ động hơn trong việc đi lại; không phải chịu cảnh chờ đợi, nhồi nhét trên xe. “Phương tiện cá nhân vẫn đứng đầu về độ thuận tiện và chủ động. Đi xe khách, ngoài sự chen chúc, chung chạ với nhiều người còn có một hạn chế là không thể đi đến tận nơi, về đến tận chốn. Còn xe cá nhân thì khác, cứ lên xe là chạy một mạch về đến tận nhà. Không phải xuống ở bến xe rồi lại tiếp tục di chuyển bằng phương tiện khác” – TS Nguyễn Hữu Đức phân tích và khẳng định xu hướng sử dụng xe cá nhân trong dịp lễ, Tết, du Xuân... chắc chắn sẽ không thể nào chấm dứt hoàn toàn. Chúng ta chỉ có thể đưa ra phương án cải thiện chất lượng dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh để thu hút người dân quay lại sử dụng, từ đó hạn chế phần nào phương tiện cá nhân.