Vì sao Mỹ bỗng hạn chế bán công nghệ hạt nhân cho Trung Quốc?

Hương Thảo (CNN)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một động thái bất lợi với nền kinh tế trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Bắc Kinh nhưng Washington vẫn quyết thực hiện là vì lý do gì?

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc họp báo chung tại Bắc Kinh. Ảnh: Gettty Images
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry hôm 11/10 cho biết, chính quyền nước này sẽ hạn chế bán công nghệ hạt nhân dân sự của mình cho Trung Quốc vì lo ngại rằng nó đang được chuyển hướng cho các mục đích quân sự và nhiều mục đích trái phép khác. Chính sách mới của chính quyền Trump sẽ có hiệu lực ngay lập tức, áp dụng trên tất cả các hoạt động chuyển giao công nghệ đã, đang và sẽ diễn ra với Bắc Kinh.
Quyết định này là kết quả của một cuộc đánh giá chính sách quy mô lớn của chính phủ Mỹ do Hội đồng An ninh Quốc gia dẫn dắt trước những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang nỗ lực để có được công nghệ và thiết bị tiên tiến từ các công ty sản xuất vật liệu hạt nhân của Mỹ.
"Chính quyền đã kết luận rằng một sự thay đổi trong hợp tác hạt nhân dân sự của Mỹ với Trung Quốc là cần thiết để tạo ra sự cân bằng trước các rủi ro trong tương lại đối với an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế, cũng như các cơ sở công nghiệp hạt nhân của Mỹ", ông Perry nói.
Vậy rốt cuộc những rủi ro mà Washington đã nhìn thấy từ quan hệ hợp tác hạt nhân dân sự với Bắc Kinh là gì?
Trộm cắp tài sản trí tuệ
Theo tiết lộ với báo giới của một số quan chức Mỹ, các cuộc thăm dò của chính phủ nước này đã cho thấy những nỗ lực của Trung Quốc nhằm nắm bắt các sản phẩm trí tuệ của Mỹ, đôi khi là bất hợp pháp, đang làm suy yếu các doanh nghiệp và quân đội nước này theo nhiều cách.
"Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã duy trì một chiến lược phối hợp giữa chính phủ và trung ương để đạt được lợi thế hạt nhân", một quan chức Mỹ nói với CNN.
Cũng theo người này, xuất khẩu hạt nhân của Mỹ sang Trung Quốc lên đến 170 triệu USD vào năm 2017 vì vậy chính quyền cũng đã phải cân nhắc đến các tác động đối với nền kinh tế nhưng cuối cùng vẫn đi đến quyết định thay đổi khi Washington xem việc bảo vệ an ninh quốc gia là ưu tiên hàng đầu lúc này.
"Chúng tôi hiểu rằng ngành công nghiệp Mỹ có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn", quan chức chính quyền Trump nói, "nhưng tin rằng trong dài hạn chính sách này sẽ mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là bảo vệ ngành công nghiệp hạt nhân của Mỹ".
Một quan chức khác cũng cho biết thêm rằng tất cả các đơn xin cấp phép mới (nếu có) liên quan đến Tập đoàn Điện lực hạt nhân quốc gia Trung Quốc đều sẽ bị từ chối bởi doanh nghiệp nhà nước này hiện đang bị truy tố vì âm mưu ăn cắp công nghệ hạt nhân của Mỹ.
Quân sự hóa Biển Đông
Sự thay đổi lần này cũng phần nào cho thấy sự quan tâm của Mỹ đối với các hoạt động của Trung Quốc trên những hòn đảo nhân tạo mà nước này đã xây dựng trái phép trên Biển Đông.
CNN dẫn lời một quan chức Mỹ khẳng định: "Trung Quốc đang tích cực theo đuổi công nghệ hạt nhân tiên tiến của chúng tôi để chuyển hướng sang sử dụng với mục đích quân sự: trong tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ 3, trong việc phát triển một tàu sân bay hạt nhân và trong các nền tảng sử dụng hạt nhân như một chiến lược kép - chẳng hạn như các lò phản ứng kiểu mô-đun và các nhà máy điện hạt nhân nổi có thể triển khai ở Biển Đông".