Vì sao nghề kế toán luôn “hot”?

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những người làm kế toán DN có khả năng phân tích và tổng quát tốt hoàn toàn có cơ hội thăng tiến lên chức danh Kế toán trưởng, sau đó được đề bạt Phó giám đốc, Giám đốc tài chính.

 Ảnh minh họa
Để đảm nhiệm vị trí Giám đốc tài chính, bên cạnh nhu cầu về bổ nhiệm lãnh đạo của DN, người làm kế toán phải có trình độ và chuyên môn tốt, am hiểu các chuẩn mực, luật thuế và chế độ kế toán tài chính hiện hành. Người làm kế toán cũng phải nhanh nhạy kịp thời cập nhật thông tin và biết cách xử lý tình huống tài chính một cách linh hoạt, tối ưu. Nhưng, trước hết họ nên trải qua chương trình đào tạo nghề kế toán DN bậc cao đẳng (CĐ) hoặc đại học.
Tại trường CĐ Nghề công nghiệp Hà Nội, người học kế toán DN trình độ CĐ được trang bị các kiến thức cơ sở, trong đó bao gồm những kiến thức cơ bản về nguyên lý kế toán và phương pháp hạch toán. Sau khi được đào tạo chuyên sâu về thực hành kế toán, sinh viên được thực hiện trên chứng từ và sổ sách kế toán thực tế như ở DN và đi thực tế.
Hiện nay, có rất nhiều trường đào tạo ngành kế toán DN và mỗi nơi lại có ưu điểm riêng để thu hút người học. Cô Hà Thị Thanh Bình – giáo viên Khoa Kinh tế, trường CĐ Nghề công nghiệp Hà Nội thông tin: Từ nhiều năm nay, Khoa Kinh tế đã rất tích cực ứng dụng phương pháp giảng dạy tích hợp. Hơn nữa, nhiều giáo viên đã từng làm kế toán tại DN nên tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế và đưa các tình huống, chứng từ, sổ sách thực tế vào giảng dạy cho người học.
Do đó, người học dễ dàng tiếp cận với kiến thức thực tiễn và ra trường có thể làm việc được ngay. “Thực tế, nhiều sinh viên đang học hoặc ra trường đi làm đã giới thiệu anh chị em, bạn bè về trường học nghề này. Đó cũng là một kênh tuyển sinh rất tốt cho nhà trường” – cô Thanh Bình thông tin thêm.

Trước những ý kiến băn khoăn về việc cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, máy móc sẽ thay thế người làm nghề kế toán DN, cô Bình cho rằng, cuộc cách mạng này sẽ mang đến sự thay đổi cơ bản trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó có kế toán bằng việc áp dụng chứng từ điện tử, phần mềm tổng hợp, xử lý dữ liệu, ghi sổ kế toán trong môi trường tin học hóa, thực hiện kê khai thuế, gửi các báo cáo tài chính và nộp thuế qua mạng…
Đó là sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ giúp ngành kế toán sử dụng nguồn lực của mình hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian và nhân lực. Nhưng công nghệ không thể thay thế hoàn toàn con người, có những việc trong kế toán vẫn phải có thao tác, tư duy và kỹ năng xử lý tình huống. Do đó, đòi hỏi người làm công tác kế toán phải nâng cao trình độ, nâng cấp, đổi mới để đáp ứng yêu cầu mới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần