Vì sao nguy cơ bùng phát dịch tả lợn châu Phi tại Hà Nội vẫn cao?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị và người dân, đến nay, Hà Nội đã khống chế thành công 445/449 ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), bằng 99,1% tổng số ổ dịch.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, từ ngày 23/2/2019 đến nay, DTLCP đã xảy ra tại 33.006 hộ chăn nuôi của 449 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy 543.878 con, với tổng trọng lượng là 37.160 tấn.
Hiện, tại 445 xã, phường (chiếm 99,1% tổng số đơn vị hành chính) của 20 quận, huyện, dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh lợn bệnh. Đến nay, toàn TP chỉ còn 4 xã: Sơn Đông (thị xã Sơn Tây), Chu Phan (huyện Mê Linh), Tân Lập (huyện Đan Phượng), Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) có dịch bệnh chưa qua 30 ngày.
 Nguy cơ bùng phát dịch tả lợn châu Phi vẫn rất cao 
Dù DTLCP đang được kiểm soát tương đối tốt, tuy nhiên, đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội đánh giá, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên địa bàn TP vẫn rất cao. Nguyên nhân là bởi việc vận chuyển, lưu thông lợn đang rất lớn, trong khi công tác kiểm soát gặp nhiều khó khăn (theo quy định không thực hiện việc kiểm dịch nội tỉnh).
DTLCP hiện cũng chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh. Vi rút DTLCP có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường. Do cung - cầu và giá lợn cao, nhiều hộ chăn nuôi nhập đàn nhưng chưa thực hiện chưa tốt việc khai báo với chính quyền địa phương.
Ngoài ra, trên địa bàn TP hiện vẫn còn nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa được quản lý. Tình trạng nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi tận dụng, sử dụng thức ăn dư thừa còn phổ biến. Trong khi đó, điều kiện thời tiết có mưa phùn ẩm ướt, diễn biến phức tạp, mầm bệnh truyền nhiễm dễ phát sinh, phát triển...
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho ngành chăn nuôi lợn, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống DTLCP. Chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, không để DTLCP xảy ra. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo kế hoạch.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần