Vì sao Nha Trang bị thiệt hại lớn do mưa lũ?

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 19/11, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp thông tin về diễn biến thiên tai tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Quang cảnh cuộc họp
Theo thống kê, tính đến 15h chiều 19/11, tại TP Nha Trang đã có 14 người chết và 4 người hiện còn đang mất tích sau đợt mưa lũ. Việc lũ quét, sạt lở đất thường xảy ra ở miền núi, nhưng nay lại diễn ra ngay tại TP du lịch lớn nhất Nam Trung Bộ, khiến nhiều người đặt câu hỏi về nguyên nhân.
Lý giải về hiện tượng sạt lở đất tại TP Nha Trang, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Trường Sơn cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là do trong khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TP Nha Trang đã không lồng ghép phương án phòng, chống thiên tai.
Thực tế là trước năm 2008, hạ tầng cơ sở và khu dân cư tại thôn Phú Cường (xã Phước Đồng) rất thưa thớt. Nhưng đến năm 2018, toàn bộ vùng chân núi Hòn Rớ đã phát triển mạnh, nhà cửa của người dân mọc lên san sát chạy dọc chân núi.
Bên cạnh nguyên nhân trên, việc lượng mưa lớn cục bộ đổ xuống trong thời gian ngắn cũng gây ra tình trạng lũ quét nghiêm trọng. Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, chỉ trong vòng 12 giờ, lượng mưa trút xuống TP Nha Trang vào khoảng 200mm. Theo ông Sơn, công tác dự báo lượng mưa hiện nay nhìn chung vẫn còn khó khăn, do đó việc cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Theo ông Sơn, thiệt hại trong đợt mưa lũ, sạt lở đất vừa qua mà người dân phải hứng chịu là bài học rất đắt giá cho tỉnh Khánh Hòa.
Thực tế cho thấy, trong hơn 10 năm qua, dù khu vực TP Nha Trang từng phải hứng chịu lượng mưa lớn hơn, điển hình như đợt mưa do cơn bão Damrey cuối năm 2017 gây ra. Tuy nhiên, chưa khi nào khu vực núi Hòn Rớ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Và đây cũng có thể là một nguyên nhân khác khiến người dân có phần chủ quan.
Thông tin tại cuộc họp chiều 19/11, ông Nguyễn Trường Sơn cho biết, cuối tuần này, khu vực Nam Trung Bộ dự kiến sẽ đón cơn bão mạnh, gây mưa lớn trên diện rộng. Đây là điều hết sức đáng lo ngại, bởi khu vực Nam Trung Bộ là nơi ít chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, nên kinh nghiệm và khả năng ứng phó chủ động có phần hạn chế.
Theo đó, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương khu vực Nam Trung Bộ, các bộ ngành liên quan không được phép chủ quan. Tập trung mọi nguồn lực cần thiết để sẵn sàng ứng phó với diễn biến của bão số 9 sắp đổ bộ, tránh để xảy ra thiệt hại nặng nề như trong cơn bão Damrey.