Vì sao số người tử vong vì bệnh Dại gia tăng?

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ NN&PTNT, tình hình bệnh Dại đang có chiều hướng gia tăng tại Việt Nam. Số người tử vong và bị phơi nhiễm ở mức rất đáng lo ngại.

Thống kê từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước đã có 16 người tử vong vì bệnh Dại và trên 170.765 người bị phơi nhiễm phải đi tiêm vắc xin phòng bệnh Dại. Trước đó, trong cả năm 2018, cả nước cũng đã có tới 103 người tử vong vì bệnh Dại (tăng 29 trường hợp so với năm 2017). Bên cạnh đó là 521.831 người bị phơi nhiễm phải đi tiêm vắc xin phòng bệnh Dại (tăng đến hơn 27.000 trường hợp so với năm 2017).
 Chó không rọ mõm được dắt đi dạo ở Hồ Gươm
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, nguyên nhân gia tăng tình trạng chó thả rông, chó cắn người là do nhiều địa phương chưa có quy định cụ thể việc bắt chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý. Chưa thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh Dại, có dầu hiệu mắc bệnh Dại. Hầu hết các địa phương chưa áp dụng nghiêm các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bệnh Dại còn nhiều hạn chế…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chỉ ra, có 3 nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ người tử vong và bị phơi nhiễm do bệnh Dại tại nước ta gia tăng trong thời gian qua. Thứ nhất là bởi 100% các trường hợp tử vong vì bệnh Dại là do chó bị bệnh cắn. Các trường hợp người bị mèo hoặc các động vật khác cắn thường an toàn về tính mạng. Thứ hai, các trường hợp tử vong đều không đi tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh Dại sau khi bị chó cắn, khiến tình trạng bệnh trở nên nguy hiểm và khó kiểm soát hơn. Và cuối cùng, việc sử dụng các loại thuốc Đông y để điều trị khi bị chó cắn vẫn còn phổ biến, dẫn đến nhiều người bị tử vong do lên cơn Dại.
Để giảm thiểu tình trạng chó thả rông cắn người, cũng như số người bị tử vong vì bệnh Dại, vừa qua, Bộ NN&PTNT đã ban hành Chỉ thị số 3402/CT-BNN-TY về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý chó nuôi và phòng chống bệnh Dại ở động vật. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ đề nghị các địa phương tập trung thực hiện là tăng cường áp dụng các chế tài xử phạt vi phạm quy định về nuôi chó, tiêm phòng vắc xin bệnh Dại; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống bệnh Dại và quản lý chó nuôi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần