Vì sao thị trường chứng khoán lao dốc và nhà đầu tư nên làm gì?

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong khoảng 1 tháng qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã lao dốc mạnh và mất gần hết số điểm tăng được trong 4 tháng qua. Vậy đâu là nguyên nhân và nhà đầu tư phải làm gì?

Tăng “nóng” nên mất điểm cũng “nóng”

Lý giải về việc thị trường chứng khoán trong vòng khoảng 1 tháng qua liên tục lao dốc, trong đó các chỉ số đều giảm điểm sâu, riêng VN-Index nhiều phiên mất điểm từ 20 đến trên 40 điểm, chuyên gia cho rằng: Yếu tố tâm lý của nhà đầu tư và yếu tố tăng “nóng” của thị trường trước đó.

Ngày 30/3 thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu đánh dấu phiên giao dịch tăng điểm mạnh, VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất từ trước đến thời điểm này đạt 1.174,46 điểm. Sau đó một tuần giao dịch, đến ngày 9/4 thị trường chứng khoán Việt Nam đánh dấu mức điểm cao nhất lịch sử 1.204,33 điểm. Có lúc VN-Index đã giao dịch ở mốc 1.207 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 251,45 triệu đơn vị, giá trị 8.019,2 tỷ đồng.

Theo chuyên gia Phạm Tuyến, việc thị trường chứng khoán lao dốc mạnh như vậy được cho là điều dễ hiểu khi nhiều cổ phiếu đã tăng trưởng “nóng” trong giai đoạn kể từ 2017 đến đầu năm nay. Nhiều cổ phiếu tăng gấp nhiều lần, trong số đó nhóm ngân hàng, chứng khoán có sự tăng trưởng đáng kể.
 Nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn, ngân hàng, chứng khoán giảm sâu kéo theo thị trường lao dốc nhiều phiên gần đây. Ảnh minh họa.
Theo thống kê kết quả kinh doanh quý I/2018 của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), trong 388 doanh nghiệp niêm yết đã công khai đến thời điểm này, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đạt 29,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi mức tăng trưởng của cả năm 2017 là 25%.

Như vậy, tăng trưởng lợi nhuận của năm 2017 và quý 1/2018 chỉ dưới 30% nhưng cổ phiếu của DN lại tăng gấp mấy lần đã vượt xa với giá trị thực của chúng. Hơn nữa, những chuyên gia phân tích, các cổ phiếu trụ cột đưa thị trường lên đỉnh và kéo thị trường chìm sâu không có nhiều những cổ phiếu của DN trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà lại là những đơn vị làm dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Khi cổ phiếu này tăng giá nhanh dựa trên sự kỳ vọng của nhà đầu tư chứ không dựa trên yếu tố cơ bản cốt lõi là tăng trưởng của doanh nghiệp. Khi đầu tư theo tâm lý mà không phải dựa trên cốt lõi của thị trường thì sẽ nhanh tăng “nóng” lên đỉnh và cũng nhanh bị xì hơi. Vì thế khi các cổ phiếu trở về giá trị thực thì các chỉ số mất đi nhanh số điểm bóng bóng đã đạt được trước đó.

Làm gì khi thị trường xuống dốc

Theo chuyên gia Phạm Tuyến, kể từ khi VN-index vượt đỉnh và cán thành công mốc trên 1.200 điểm thị trường chính thức điều chỉnh khá lớn với áp lực bán mạnh, đặc biệt nhóm cổ phiếu trụ cột, nhóm ngân hàng và chứng khoán.

Thời điểm này khi các DN niêm yết vào mùa Đại hội cổ đông, với các tin tức về lợi nhuận đã thể hiện và phản ánh vào thị giá nên việc nhà đầu tư chốt lời trên diện rộng khiến cho chỉ số lùi sâu về sát mốc 1.000 điểm khi kết thúc phiên ngày 3/5 cũng là dễ hiểu. Thị trường sẽ điều chỉnh cho đến khi tương quan giá cổ phiếu và lợi nhuận của doanh nghiệp đạt được điểm cân bằng.

Việt Nam là thị trường chứng khoán có mức giảm mạnh nhất trong 1 tháng trở lại đây, mất 10,37% điểm. Theo ông Tuyên Việc giảm giá của các cổ phiếu không chỉ từ các yếu tố như do tăng trưởng quá nhanh trong một thời gian dài, mà còn do tỷ trọng vay đầu tư bằng đòn bẩy (margin) đang còn ở mức cao.

Khi cổ phiếu giảm giá sâu, có thể tỷ lệ margin tại các mã này đã chạm ngưỡng xử lý, vì thế các công ty chứng khoán đã phải đẩy mạnh bán ra để thu hồi nợ. Hiện tại thị trường vẫn có những rủi ro lớn khi dòng tiền mới chưa chảy vào nhiều và áo lực bán vẫn diễn ra trên diện rộng.

Trường hợp thị trường giảm mạnh và chưa có dấu hiệu thôi bị áp lực bán thì nhà đầu tư cần bình tĩnh và chủ động hạ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục để bảo vệ thành quả kinh doanh. Nếu dùng tỷ lệ vay margin thì nên chủ động hạ về mức an toàn để tránh bị công ty môi giới bắt buộc phải đóng lệnh của nhà giao dịch khi lệnh đạt đến một mức thua lỗ nhất định (margin call) trong lúc thị trường bị giảm mạnh.

Trong lúc thị trường giảm sâu, nhà đầu tư chịu mức rủi ro thấp, chưa nên mở trạng thái mua mới khi chưa có sự ổn định tâm lý chung của toàn thị trường, đặc biệt không nên bắt đáy hoặc mở mua mới khi tài khoản đang trong trạng thái căng cứng, nhiều cổ phiếu.

Trước khi VN-Index giảm từ trên 1.200 điểm ngày 9/4/2018 xuống ngưỡng sát mốc 1.000 điểm hiện nay, trạng thái lên điểm của thị trường, theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, có sự góp sức của dòng tiền giao dịch ký quỹ (margin). Điều này thể hiện qua giá trị cho vay margin tại nhiều công ty chứng khoán tăng cao.

Theo ông Tuyến, khi thị trường đảo chiều đi xuống, nhu cầu bán ra cổ phiếu để giải tỏa gánh nặng margin gây sức ép lên thị trường, nhất là trong những phiên thanh khoản không cao. Tuy nhiên, áp lực này không lớn. Bởi lẽ, trước khi thị trường điều chỉnh giảm, nhiều nhà đầu tư đã chủ động bán cổ phiếu để giảm sức ép margin, cũng là để giảm rủi ro.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần