Vì sao thủ đô Helsinki của Phần Lan được chọn làm nơi tổ chức thượng đỉnh Trump-Putin

Lan Hương (Theo Washington Post)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây không phải là lần đầu tiên thủ đô Helsinki của Phần Lan đứng ra đăng cai một hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ.

Helsinki, thủ đô của Phần Lan, sẽ là nơi diễn ra tổ chức hội nghị thượng đỉnh ngày 16/7 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Sau đây là những lý do khiến đất nước Bắc Âu trở thành một địa điểm quen thuộc cho các cuộc họp cấp cao giữa 2 nước:  
Luôn luôn trung lập
Phần Lan có truyền thống lâu đời là nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Mỹ-Nga, đặc biệt trong Chiến tranh Lạnh, với tư cách là một quốc gia trung lập và thủ đô Helsinki là một cửa ngõ giữa phe Cộng sản ở phía Đông và Tư bản ở phương Tây.
 Thủ đô Helsinki của Phần Lan.
Quốc gia Bắc Âu nhỏ bé có 5,5 triệu người có biên giới 1.340 km (830 dặm) với Nga. Từng là một phần của Vương quốc Thụy Điển, nước này đã tham gia vào hàng chục cuộc xung đột với Nga trong nhiều thế kỷ qua và 2 cuộc chiến tranh với Liên Xô trong Thế chiến II, từ 1939 - 1940 và 1941 - 1944. Tuy nhiên, trong giai đoạn hậu chiến, Phần Lan theo đuổi quan hệ chính trị và kinh tế thực dụng với Moscow.
Tổng thống Sauli Niinisto đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Tổng thống Nga Putin cũng như người tiền nhiệm Tarja Halonen, và có quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người mà ông đã từng gặp tại Nhà Trắng năm ngoái.
Phần Lan là thành viên của Liên min châu Âu (EU) nhưng không tham gia khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Chính sách đối ngoại sau Thế chiến II của Phần Lan được xác định bởi hành động cân bằng mối quan hệ tốt đẹp của đất nước nhỏ với phương Tây và Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Những hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga từng được tổ chức ở Helsinki:
Ở thời kỳ những năm 1970, Phần Lan đã làm chủ nhà hội nghị thượng đỉnh năm 1975, khi Tổng thống Mỹ Gerald Ford và lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev và những người khác đã ký Hiệp định Helsinki, một cam kết đầu tiên cho hòa bình, an ninh và nhân quyền.
Từ trái sang: Tổng thống Mỹ Gerald Ford và lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev.
Trong những năm 1980, Phần Lan cũng là điểm dừng chân thuận lợi cho các quan chức cấp cao Washington trên đường đến Moscow.
Tháng 5/1988, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã gặp Tổng thống Phần Lan Mauno Koivisto ở Helsinki trên đường đến Liên Xô.
Sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin năm 1989 và sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, Phần Lan tiếp tục duy trì quan hệ tốt đẹp như nhau với Moscow và Washington trong khi tích hợp sâu hơn vào các cấu trúc an ninh của phương Tây.
 Tổng thống Mỹ George H.W. Bush (trái) và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.
Vào tháng 9/1990, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Xô giữa Tổng thống Mỹ George H.W. Bush và người lãnh đạo Liên Xô cuối cùng, Mikhail Gorbachev ở Helsinki về tình hình ở Trung Đông.
 Tổng thống Nga Yeltsin (trái) và Tổng thống Mỹ Bill Clinton.
Năm 1997, Tổng thống Bill Clinton đã gặp người đồng cấp Nga Boris Yeltsin cũng tại Helsinki để thảo luận về việc NATO mở rộng sang các quốc gia khối Liên Xô cũ.
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần