TP Hồ Chí Minh: Vì sao tiểu thương chợ An Đông bãi thị?

Vĩnh Yên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/9, hơn 2.000 tiểu thương chợ truyền thống An Đông (TP Hồ Chí Minh) đã bãi thị vì cho rằng việc thu chi tiền nâng cấp chợ không rõ ràng. Bước đầu, lãnh đạo quận 5 đã thừa nhận trách nhiệm về việc này.

Sau cuộc bãi thị, các tiểu thương cùng nhau bộ hành tới UBND TP Hồ Chí Minh. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quốc Huy - Chủ tịch UBND quận 5, cho biết: “Vai trò của chợ An Đông rất quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế của quận. Một trong những lý do khiến mãi lực suy giảm phải thừa nhận là có sự xuống cấp của hạ tầng chợ. Quận nhận trách nhiệm này, ghi nhận những yêu cầu của tiểu thương và sẽ báo cáo lại cấp trên để có hướng giải quyết”.

Theo phản ánh của tiểu thương chợ An Đông, từ đầu năm 2012, hơn 2.000 tiểu thương nơi đây được vận động đóng trước hơn 217 tỷ đồng với lời hứa từ quận là sẽ nâng cấp bảo dưỡng chợ khang trang. Tuy nhiên, gần 5 năm trôi qua, lời hứa đó vẫn chưa được thực hiện. Hàng ngàn tiểu thương chợ An Đông vẫn phải kinh doanh trong hoàn cảnh hạ tầng chợ xuống cấp trầm trọng, khách lần lượt bỏ chợ. Vì thế, doanh số bán hàng trong mấy năm trở lại đây giảm 50 - 70%. Lý do chợ xuống cấp được đưa ra bên cạnh nguyên nhân khách quan là sự sụt giảm kinh tế.

 Trên 2.000 tiểu thương chợ An Đông bãi thị.

Hoài nghi mà các tiểu thương chợ An Đông đặt ra hiện nay là số tiền 217 tỷ đồng nộp cho Ban quản lý chợ đi về đâu, được sử dụng ra sao, trong khi ngôi chợ có “số má” nhất Sài thành đang trong tình trạng “xế chiều”. Lý giải vấn đề này, ông Trần Minh Sang - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính quận 5 cho biết, số tiền 217 tỷ đồng thu theo hợp đồng 5 năm của các tiểu thương chợ An Đông đều nộp ngân sách Nhà nước, không một cá nhân hoặc tổ chức nào được quyền giữ. Một phần của số tiền này sẽ được dùng cho chi phí quản lý chợ, bao gồm 6 gói cải tạo sửa chữa và nâng cấp. Nhưng tất nhiên sẽ phải qua quy trình dự toán, sau đó mới duyệt để chi cho việc nâng cấp và sửa chữa.

Ông Sang cũng cho biết thêm, với tiền thu thuế, phí từ chợ An Đông, Phòng Kế hoạch - Tài chính quận phải báo cáo và nộp vào ngân sách cuối mỗi năm. “Trong các cuộc họp và tiếp xúc với tiểu thương, tôi rất thông cảm và chia sẻ với những bức xúc của bà con và hứa sẽ sớm trình lãnh đạo quận xem xét giải quyết những yêu cầu chính đáng của tiểu thương, một phần giúp tiểu thương ổn định, kinh doanh lâu dài” - ông Sang chia sẻ.

Hiện tại cũng đang có thông tin, Công ty TNHH Xây dựng Việt Hoa (Công ty Việt Hoa) muốn tham gia đầu thầu việc nâng cấp, sửa chữa cải tạo chợ An Đông lần này. Cách đây 27 năm (năm 1990) cũng chính đơn vị này đã xây dựng chợ An Đông và trực tiếp quản lý chợ suốt 20 năm (1991-2011). Nay công trình xuống cấp, công ty cũng muốn tái đầu tư cùng tham gia khai thác. Trước thông tin này, ông Sang cũng cho hay, có nắm thông tin công ty Việt Hoa là đơn vị xây dựng chợ An Đông trước đây, nhưng theo luật hiện hành thì việc đấu thầu phải công khai, minh bạch từ bước thông báo mời thầu cho đến bước cuối cùng chọn nhà thầu. Các thủ tục đều phải theo quy định pháp luật và đúng quy trình. Dù nhà thầu nào có cam kết rẻ nhất chăng nữa cũng phải dựa theo các bước thẩm định của các đơn vị nghiệp vụ chuyên môn, sau khi thỏa thuận các yêu cầu về kỹ thuật, lúc đó mới so sánh về giá cả. Vì đây là tiền của dân, nên khi chọn nhà thầu phải đảm bảo các tiêu chí đầu tiên là chất lượng sau cùng mới là giá.