Một lãnh đạo VTV thừa nhận, đây là kỳ World Cup mà đài này gặp khó khăn nhất trong việc đàm phán bản quyền truyền hình. Bởi nếu so với 2 kỳ World Cup gần nhất (năm 2010 và 2014), VTV đều cùng đối tác ký hợp đồng sớm một tháng trước khi giải đấu khởi tranh.
Theo tiết lộ từ một lãnh đạo VTV, việc đàm phán bản quyền World Cup 2018 khởi động từ cuối năm 2016 cho tới cuối ngày 7/6, đôi bên mới cơ bản tìm được tiếng nói chung để chuẩn bị ngồi vào bàn ký hợp đồng chính thức. Nguyên nhân khiến đàm phán kéo dài, thậm chí có thời điểm “đóng băng” – như thừa nhận của lãnh đạo VTV, là do đối tác ISM đưa ra mức giá quá cao trong khi VTV chỉ có thể chấp nhận mức giá phù hợp, đồng thời chủ trương “không mua bằng mọi giá”.
|
Sau thời gian dài căng thẳng, VTV và đối tác mới đạt được thỏa thuận về bản quyền World Cup 2018 với mức giá làm hài lòng cả hai. |
Cần biết rằng ISM sở hữu gói chỉ có giá trị trên lãnh thổ Việt Nam, vì vậy nếu không bán cho VTV – đơn vị được Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam ủy quyền là đại diện duy nhất đứng ra đàm phán, thì cũng chẳng bán được cho quốc gia nào. Cũng vì nắm được “điểm yếu” này nên ở World Cup 2014, VTV đã “ép giá” thành công, buộc đối tác khi đó là MP&Silva phải chấp thuận con số 7 triệu USD, vốn thấp hơn rất nhiều mức đối tác này chào bán trước đó.
18 giờ 30 phút ngày 8/6, VTV thông báo đã chính thức đạt được thỏa thuận với đối tác về việc nắm giữ bản quyền truyền thông World Cup 2018, bao gồm mọi quyền truyền thông về World Cup 2018 trong lãnh thổ Việt Nam cũng như việc chia sẻ bản quyền cho bên thứ ba. "Sau khi hợp đồng chính thức được FIFA chấp thuận, VTV sẽ thông báo cụ thể tới khán giả về các nội dung liên quan", thông báo của VTV cho hay. World Cup 2018 diễn ra từ ngày 14/6 tới 15/7, với 64 trận đấu, bắt đầu bằng trận khai mạc giữa đội tuyển chủ nhà Nga gặp đội tuyển Ả Rập Xê Út lúc 22 giờ ngày 14/6 (giờ Việt Nam). |
Tuy nhiên, ISM – đối tác được FIFA chỉ định đứng ra phân phối bản quyền các sự kiện bóng đá cấp FIFA từ năm 2015 đến năm 2022 trên 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam – cũng cho thấy không hề kém cạnh, khi cương quyết không để bị ép giá cũng như không chịu phá giá. Bởi lẽ ngoài World Cup 2018, ISM vẫn chính là nhà phân phối World Cup 2022 và nếu để phía Việt Nam “ép giá” quá mức lần này thì ở kỳ World Cup sau, họ sẽ khó lòng áp đặt mức giá mong muốn. ISM không muốn tạo tiền lệ xấu tại thị trường Việt Nam, cũng như với 25 quốc gia khác nơi họ đang nắm quyền phân phối bản quyền các giải đấu do FIFA tổ chức cho tới hết 2022.
Thêm một lý do khác là thời điểm sát ngày World Cup khởi tranh, giới hâm mộ bóng đá tại dải đất hình chữ S “sốt xình xịch” trước thông tin Việt Nam là quốc gia duy nhất trong tổng số 219 quốc gia, vùng lãnh thổ được FIFA chào bán chưa có bản quyền giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh. Với nghiên cứu cùng kinh nghiệm của mình, ISM hoàn toàn có thể cảm nhận được áp lực trong nước đang dồn về phía VTV. Đó là lý do họ không chịu thua trong cuộc “thi gan” trên bàn đàm phán.
Thông tin hậu trường cho hay, con số ISM chào bán gói bản quyền là khoảng 14 triệu USD, trong khi VTV chỉ chấp thuận con số xấp xỉ mức giá bỏ ra 4 năm trước là 7 triệu USD. “Nút thắt” về giá chỉ được gỡ khi có một tập đoàn lớn tại Việt Nam chấp thuận “tài trợ” 5 triệu USD và còn chi thêm 1 triệu USD để mua quảng cáo từ VTV, giúp đài này mua thành công bản quyền World Cup 2018. Dù đôi bên chưa công bố mức giá thống nhất song với con số trên 10 triệu USD, có thể xem là đã làm hài lòng cả đôi bên.
Tuy nhiên từ vụ đàm phán này, có thể phần nào dự báo được sự căng thẳng của những cuộc đàm phán bản quyền World Cup hay EURO trong tương lai. Khi mà chiêu bài “nếu anh không bán được cho tôi cũng chẳng bán được cho ai” của nhà đài Việt Nam đã gần như không còn tác dụng đối với đối tác, cụ thể là với ISM, ít nhất là từ nay cho tới hết năm 2022 – khoảng thời gian họ toàn quyền quyết định “số mệnh” các gói bản quyền bóng đá trên lãnh thổ Việt Nam.