Vì sao xuất khẩu sữa sang Trung Quốc đang rất tiềm năng cho Việt Nam?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ có mức tiêu thụ sữa lớn nhất nhì thế giới, nguồn cung trong nước hạn chế cả về sản lượng và chất lượng đang là nguyên nhân khiến nhập khẩu sữa của Trung Quốc tăng cao. Đồng thời, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Thông tin tại lễ công bố xuất khẩu lô sữa đầu tiên của Việt Nam sang Trung Quốc ngày 22/10, Đại sứ đặc mệnh toàn tuyền Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cho biết, mức tiêu thụ sản phẩm sữa bình quân đầu người dân nước này liên tục tăng những năm gần đây (năm 2018 đạt 22,5kg/người). Tiêu thụ sữa tại Trung Quốc hiện đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Hoa Kỳ) với tổng giá trị khoảng 60 tỷ USD.
Mức tiêu thụ sữa rất lớn, nhưng nguồn cung sữa nội địa tại quốc gia 1,4 tỷ người hiện chỉ đủ đáp ứng 75% nhu cầu. Chính vì vậy, năm 2018, Trung Quốc đã phải nhập khẩu 2,74 triệu tấn các sản phẩm sữa bao gồm: Sữa bột, sữa nước, phomai..., tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2017.
 Xuất khẩu sữa Việt Nam sang Trung Quốc đang đứng trước cơ hội lớn. Ảnh minh họa.
Giá trị nhập khẩu sữa của Trung Quốc năm 2018 đạt 10,65 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó sữa bột chiếm gần 70%. Ước tính năm 2019, Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu 3,94 triệu tấn sữa và sản phẩm sữa, trong đó lượng sữa tươi nhập khẩu khoảng 750.000 tấn.
Tiêu dùng lớn nhưng sản lượng sản phẩm sữa sản xuất tại Trung Quốc tăng trưởng chậm. Lý do chính được Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đưa ra là: Chi phí sản xuất sữa trong nước cao hơn mức trung bình toàn cầu do bị ảnh hưởng bởi chi phí thức ăn, lao động và đất đai. Lợi nhuận thấp kìm hãm sự tăng trưởng sản xuất sữa của quốc gia này.
Bên cạnh đó, hiện nay, vẫn còn một bộ phận người tiêu dùng Trung Quốc thiếu niềm tin với sản phẩm sữa bột trong nước do những lùm xùm về chất lượng sữa những năm trước đây. Các nhà nghiên cứu của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) cho rằng, nhu cầu nhập khẩu sữa của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Trước thực trạng nguồn cung sữa trong nước hạn chế, Trung Quốc đang mở rộng nhập khẩu sữa từ các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Theo đó, ngày 16/10/2019, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Thông báo số 156/2019 về “Các yêu cầu đối với công tác kiểm nghiệm kiểm dịch sản phẩm sữa nhập khẩu từ Việt Nam”. Đây là sự cụ thể hóa Nghị định thư ký tháng 4/2019 giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc với mục tiêu đưa sữa Việt Nam sang Trung Quốc.
Sau một thời gian xét duyệt hồ sơ đăng ký của các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm sữa sữa Việt Nam, Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức cấp mã giao dịch đầu tiên cho Công ty CP Sữa TH (thuộc tập đoàn TH), cho phép xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm sữa sang Trung Quốc theo Nghị định thư.
Như vậy, chỉ hơn 6 tháng sau khi Nghị định thư về yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc được ký kết, mở đường cho dòng sữa Việt xuất khẩu chính ngạch sang thị trường 1,4 tỷ dân, Việt Nam đã có công ty đầu tiên đáp ứng đủ các tiêu chuẩn khắt khe, nghiêm ngặt của Trung Quốc.
Một khía cạnh khác được xem là có thể mở ra cơ hội xuất khẩu sữa với số lượng lớn sang Trung Quốc là hiện nay, 100% các trang trại chăn nuôi bò sữa của các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc đều được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, lấy mẫu giám sát các bệnh theo quy định tại Nghị định thư, quy định của OIE và của Việt Nam.
Một số doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Cục Thú y với Sở NN&PTNT và doanh nghiệp về việc “Xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để xuất khẩu, giai đoạn từ năm 2019 – 2022” nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn bò sữa của cơ sở chăn nuôi bò sữa.
Dự kiến đến tháng 12/2022, các đơn vị sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đánh giá, công nhận vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh. Đây sẽ là cơ hội để sữa Việt Nam thâm nhập sâu và chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng các mặt hàng sữa khổng lồ của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần