Vì thế hệ tương lai

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hạn chế xe máy - câu chuyện không của riêng Hà Nội vừa chính thức đề xuất lộ trình thanh thải xe máy cũ nát, hạn chế tiến tới dừng hẳn hoạt động loại phương tiện này tại khu vực nội đô TP.

Đứng trước một sự đổi thay quá lớn, không ít người tỏ ra lo lắng, băn khoăn, bởi lẽ cấm xe máy thì họ sẽ đi lại bằng gì? Vận tải công cộng có đáp ứng được nhu cầu di chuyển của đông đảo người dân hay không?
Đây là câu chuyện không phải của riêng ai, vì xe máy vốn là phương tiện thông dụng nhất hiện nay mà hầu như ở TP thì nhà nào cũng có tối thiểu một chiếc. Song, vì lợi ích chung của cả cộng đồng, vì mục tiêu xây dựng Thủ đô an toàn, văn minh, hiện đại thì cần có sự đồng thuận của cộng đồng, và trách nhiệm của từng công dân, từng gia đình, thay đổi thói quen, thích ứng với sự phát triển chung của TP.

Được biết, chỉ số nhiễm môi trường không khí AQI trung bình của Hà Nội hiện nay là 123; nồng độ bụi PM2,5 trong không khí Hà Nội cao gấp 5 lần ngưỡng trung bình theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Điều đáng nói, trong 6 nguồn gây ô nhiễm không khí của Hà Nội thì xe máy và ô tô chiếm tới 70% lượng chất độc thải môi trường. Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện Hà Nội có khoảng hơn 5,2 triệu xe máy, trong đó có 2,6 triệu xe cũ nát, là nguyên nhân trực tiếp xả khói bụi ra đầu độc môi trường TP. Đáng lo ngại, số lượng xe máy đang tăng thêm hơn 60.000 chiếc mỗi năm (12,9%) trong khi hạ tầng chỉ phát triển 3,8%/năm. Nếu tiếp tục với đà này, chỉ khoảng 5 - 10 năm nữa mọi ngả đường Thủ đô sẽ kẹt cứng xe cộ, ùn tắc giao thông sẽ trở thành thảm họa.

Thảm họa không chỉ dừng ở ùn tắc mà còn tăng vì môi trường không khí sẽ bị quánh đặc bởi ô nhiễm từ khí thải của loại phương tiện này. Thói quen sử dụng xe máy đang gây hại cho chính chúng ta hôm nay và đe dọa tương lai của Thủ đô Hà Nội. Vì vậy, bỏ thói quen sử dụng phương tiện cá nhân, trước hết là xe máy chính là trách nhiệm của mỗi người dân Hà Nội đối với môi trường sống, với các thế hệ con cháu sau này.

Tại những TP lớn khác trên thế giới như Quảng Châu, Thượng Hải (Trung Quốc), Yangoon (Myanmar), Paris (Pháp)… đều đã tiến hành thanh thải xe máy cũ nát, kiểm soát mức khí thải hoặc cấm xe máy hoạt động trong trung tâm TP từ hàng chục năm qua. Kết quả họ thu được là một đô thị văn minh, hiện đại với môi trường sống trong lành và khỏe mạnh. Đây thực sự là một động lực lớn để chúng ta thay đổi thói quen vì chính sự sinh tồn của bản thân và vì tương lai của thế hệ trẻ.

Theo kết quả khảo sát của Công an TP, hầu hết người dân được hỏi đều ủng hộ chủ trương hạn chế, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trong khu vực nội thành. Tuy nhiên, người dân cũng đề nghị TP phải tập trung xây dựng mạng lưới vận tải hành khách công cộng hữu hiệu nhằm đáp ứng tốt ứng nhu cầu đi lại khi hạn chế các loại phương tiện cá nhân, bao gồm cả xe máy. Điều này cho thấy, chủ trương hạn chế xe máy lưu thông trong nội đô đã nhận được sự ủng hộ của người dân và không còn là vấn đề của riêng ai. Song để hạn chế phương tiện này phải tăng phương tiện kia để cân bằng là điều không thể xem nhẹ. Hy vọng, với việc triển khai hệ thống đường sắt đô thị và tăng cường mạng lưới vận tải công cộng của TP, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thì lộ trình hạn chế xe máy sẽ sớm về đích thành công, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần