Vị Thủ tướng đặt nền móng cho quyền tự do kinh doanh

Triệu Bình Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải là Thủ tướng đầu tiên “chặt bỏ” giấy phép con, gạt bỏ sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Ông được coi là vị Thủ tướng “kỹ trị”, người đặt nền tảng vững chắc cho quyền tự do kinh doanh của người dân đã được Hiến định và lót những phiến đá ban đầu cho cơ chế cạnh tranh trong nền kinh tế, luôn cố gắng đảm bảo các cân đối lớn để duy trì sự ổn định vĩ mô.

Tháo “vòng kim cô” cho doanh nghiệp

Một trong những thành tựu lớn nhất của Chính phủ thời Thủ tướng Phan Văn Khải là việc ban hành Luật DN. Thực ra quan điểm của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải về phát triển kinh tế tư nhân, và song song với nó là quan điểm về vai trò của kinh tế Nhà nước đã dần được định hình từ thời ông còn làm Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh.
 Đồng chí Phan Văn Khải thăm Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (tháng 4/2004). Ảnh: Xuân Lộc
Một buổi chiều tháng 10 năm 1999, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng họp. Nhiều chuyên gia lo ngại sự chậm trễ việc triển khai Luật DN. Tổ công tác thi hành Luật DN được thành lập chỉ 2 ngày trước khi khi Luật có hiệu lực vào 1/1/2000. Đúng ngày 3/2/2000 (28 Tết), Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 19/2000/QĐ-TTg bãi bỏ 84 loại giấy phép con trái với tinh thần của Luật DN. Tháng 6/2002, ông tiếp tục ký ban hành Nghị định 59/2002/NĐ-CP thay thế, bãi bỏ nhiều giấy phép con khác. Kết quả là rất đáng phấn khởi. Chỉ trong 2000 - 2002, số DN thành lập mới theo Luật DN là trên 55.000 DN, cao hơn nhiều so với tổng số 45.000 DN được thành lập theo Luật Công ty và Luật DN tư nhân trong 10 năm trước đó (1991 - 1999). Luật DN năm 1999 giúp tái sinh mạnh mẽ khu vực DN tư nhân vốn gần như bị loại bỏ trong mấy chục năm trời trước đó.

Có thể nói, không có quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ lúc đó, không có Tổ công tác thi hành Luật DN cùng những nỗ lực không mệt mỏi của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Xuân Giá, lãnh đạo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) và nhiều thành viên khác, quyền tự do kinh doanh đã được Hiến định khó bén rễ, sớm tạo sức lan tỏa.

Ngân sách thu lấy mà chi!

Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Xuân Giá từng kể: “Từ khi còn là Phó Thủ tướng và sau này là Thủ tướng Chính phủ, anh Sáu Khải là người rất coi trọng việc cân đối vĩ mô, trước hết là cân đối ngân sách, bởi ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, bất ổn kinh tế vĩ mô luôn bắt nguồn từ mất cân đối ngân sách. Ngay từ khi còn làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, một mặt anh chủ trì việc xây dựng Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế, xã hội, mặt khác anh tham gia tích cực trong việc giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười trong cuộc chiến “chống lạm phát phi mã”.

Chúng ta chống lạm phát phi mã thành công nhờ thực hiện quyết liệt một loạt giải pháp, trong đó việc thực hiện giải pháp “ngân sách thu lấy mà chi” (thay cho in tiền để chi tiêu), “ngân hàng vay lấy mà cho vay” (thay cho in tiền để cho vay) có vai trò hết sức quan trọng. Và sau này, khi trở thành Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi Thủ tướng gần hai nhiệm kỳ, anh Khải liên tục lo cân đối kinh tế vĩ mô.

Chiều 19/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn lãnh đạo Chính phủ đã viếng, dâng hương cố Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải tại tư gia, chuẩn bị cùng đoàn di quan đưa linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải về hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) để tổ chức tang lễ theo nghi thức quốc tang.

Theo Ban tổ chức tang lễ, trong 2 ngày viếng chính thức ở nhà riêng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, có gần 1.000 đoàn người dân, lãnh đạo các cấp, cơ quan, đoàn thể đến viếng, chia buồn sâu sắc cùng gia quyến.
Không chỉ lo cân đối về mặt giá trị, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải còn hết sức quan tâm đến cân đối các nguồn lực, nhất là năng lượng. Anh có vai trò nổi bật trong việc thực hiện Dự án Khí điện đạm Phú Mỹ, trong đó có 6 nhà máy điện. Có lúc khu khí điện đạm Phú Mỹ đã bảo đảm cân đối 40% tổng lượng điện cả nước. Anh cũng có vai trò lớn trong thực hiện Dự án Thủy điện Sơn La…”.

Bà Phạm Chi Lan, nguyên là thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cho biết, trong suốt thời kỳ làm việc ở Ban, bà chưa bao giờ thấy Thủ tướng có bất kỳ văn bản nào yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bà nói: “Thủ tướng luôn ý thức kìm chế tăng bội chi. Khi kết thúc nhiệm kỳ thì chi thường xuyên và chi đầu tư về mức 50/50. Cứ năm nào chi thường xuyên nhích lên thì bài toán mà Thủ tướng đặt ra với Ban Nghiên cứu là làm sao phải kiềm chế chi tiêu công”.

Theo nghiên cứu của TS Vũ Thành Tự Anh, trường đại học Fulbright, cán cân ngân sách chỉ thâm hụt 3,9% trong giai đoạn 2001 - 2005, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình 5,5% trong suốt thập kỷ sau đó. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế đạt cao ở mức 7,3, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mức 4,6%. Những con số đó rất có ý nghĩa đối với nền kinh tế trong quá trình hội nhập hiện nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần